Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Google search engine
HomeTội xâm phạm trật tự quản lý kinh tếXử lý hình sự đối với tội vi phạm các quy định...

Xử lý hình sự đối với tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên

Khu bảo tồn thiên nhiên là khu vực được phân định nhằm bảo vệ sự phong phú, đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên. Vậy khi có hành vi vi phạm quy định về khu bảo tồn thiên nhiên thì sẽ bị xử lý như thế nào? Bài viết sau sẽ làm rõ việc xử lý hình sự đối với tội vi phạm các quy định về khu bảo tồn thiên nhiên.

khu bảo tồn thiên nhiên
Tội vi phạm quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên

Khái niệm khu bảo tồn thiên nhiên

Theo quy định tại khoản 12 Điều 3 Luật Đa dạng sinh học năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2018 thì khu bảo tồn thiên nhiên được hiểu là khu vực địa lý được xác lập rõ ranh giới và phân khu chức năng nhằm để bảo tồn đa dạng sinh học. Hay còn được gọi là khu bảo tồn nhằm bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên mà quan trọng, đặc thù hoặc đại diện cũng như bảo vệ môi trường sống tự nhiên được thường xuyên hoặc theo mùa của các loài hoang dã, cảnh quan môi trường và nét đẹp độc đáo của tự nhiên; nuôi, trồng và chăm sóc các loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm cần được ưu tiên bảo vệ; lưu giữ và bảo quản lâu dài được các mẫu vật di truyền.

khu bảo tồn thiên nhiên
Khu bảo tồn thiên nhiên

Yếu tố cấu thành tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên

Dựa trên quy định về tội phạm tại Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi chung là Bộ luật hình sự năm 2015), tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên là hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại cố ý hoặc vô ý thực hiện hành vi vi phạm đến các quy định trong quản lý khu bảo tồn thiên nhiên do Bộ Luật Hình sự 2015 quy định. Theo đó, tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên có cấu thành tội phạm gồm 4 yếu tố cơ bản sau:

          Một là, khách thể của tội phạm. Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên xâm phạm đến môi trường mà chủ yếu là xâm phạm tới trật tự quản lý đối với các khu bảo tồn thiên nhiên.

          Hai là, chủ thể của tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên là người mà đã từ đủ 16 tuổi trở lên và có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại đã có đủ các điều kiện chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 75 Bộ luật hình sự năm 2015.

          Ba là, mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi khách quan, hậu quả và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội với hâu quả.

          – Về hành vi khách quan: Đó là các hành vi vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên được Nhà nước bảo vệ đặc biệt như không thực hiện hoặc thực hiện không đúng với các quy định của Nhà nước về chế độ sử dụng, khai thác khu bảo tồn thiên nhiên. Hành vi vi phạm cụ thể được biểu hiện bằng các hành động như: chặt cây, săn bắt, săn bắn động vật, khai thác lâm thổ sản; khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản; chăn thả gia súc, dựng lều quán… một cách trái phép.

          Theo đó, khu bảo tồn thiên nhiên được quy định trong tội này phải được Nhà nước bảo vệ đặc biệt, nếu chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên chưa được Nhà nước quy định và bảo vệ đặc biệt thì hành vi vi phạm trên sẽ không bị coi là hành vi phạm tội.

          – Về hậu quả: các hành vi phạm tội kể trên chỉ cấu thành tội phạm này khi có dấu hiệu hậu quả là dấu hiệu bắt buộc. Hậu quả thể hiện ở những thiệt hại vật chất và tinh thần cho xã hội mà chủ yếu là gây ra những thiệt hại về môi trường. Cụ thể:

  • Gây thiệt hại về tài sản mà từ 50 triệu đồng trở lên;
  • Gây thiệt hại tới cảnh quan, hệ sinh thái tự nhiên trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn thiên nhiên mà có tổng diện tích 300 m2 trở lên;
  • Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong số những hành vi vi phạm quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên mà còn thực hiện hành vi vi phạm;
  • Đã bị kết án cũng về tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên và chưa được xóa án tích nhưng vẫn còn tiếp tục vi phạm tội này.
khu bảo tồn thiên nhiên
Cấu thành tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên

Lưu ý: Nếu một trong các hành vi vi phạm quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên được thể hiện như hành vi gây thiệt hại về lâm sản đã thỏa mãn yếu tố cấu thành tội hủy hoại rừng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại rừng tại Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015. Hoặc nếu trường hợp mà hành vi vi phạm quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên mà gây ra các sự cố môi trường thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 237 Bộ luật Hình sự năm 2015.

          Bốn là, mặt chủ quan của tội phạm. Người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại phạm tội với lỗi cố ý hoặc vô ý được thể hiện trong các trường hợp:

          – Lỗi cố ý trong trường hợp mặt khách quan của tội này chỉ có dấu hiệu hành vi nguy hiểm cho xã hội tại điểm c khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự năm 2015.

          – Lỗi vô ý hoặc cố ý trong trường hợp mặt khách quan của tội này có thêm dấu hiệu hậu quả nguy hiểm cho xã hội.

Quy định pháp luật về tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên

Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên được quy định chi tiết tại Điều 245 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 bao gồm 4 khoản truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể nội dung quy định như sau:

Điều 245. Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên

1. Người nào vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại đến cảnh quan, hệ sinh thái tự nhiên trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn thiên nhiên có tổng diện tích từ 300 mét vuông (m2) đến dưới 500 mét vuông (m2);

c) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong những hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Gây thiệt hại về tài sản 200.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại đến cảnh quan, hệ sinh thái tự nhiên trong phân khu bảo tồn nghiêm ngặt của khu bảo tồn thiên nhiên có tổng diện tích từ 500 mét vuông (m2) trở lên;

c) Có tổ chức;

d) Sử dụng công cụ, phương tiện, biện pháp bị cấm;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

Khung hình phạt đối với tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên

Điều 245 Bộ luật Hình sự đã quy định 03 khung hình phạt áp dụng đối người phạm tội và 04 khung hình phạt tại khoản 4 đối với pháp nhân thương mại phạm tội như sau:

          Đối với cá nhân phạm tội:

          – Khung hình phạt 1: phạt tiền từ 50.000.000 đồng tới 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng cho đến 03 năm nếu thuộc các trường hợp tài khoản 1 Điều này;

          – Khung hình phạt 2: phạt tù từ 03 năm cho đến 07 năm với trường hợp tại khoản 2 Điều này;

          Về hình phạt bổ sung: Người phạm tội ngoài ra còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm cho đến 05 năm.

          Đối với phạm nhân thương mại phạm tội:

          – Khung hình phạt 1: phạt tiền từ 300.000.000 đồng cho đến 1.000.000.000 đồng;

          – Khung hình phạt 2: phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng tới 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng tới 03 năm;

          – Khung hình phạt 3: đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu thuộc trường hợp tại Điều 79 Bộ luật này;

          Về hình phạt bổ sung: Pháp nhân thương mại ngoài ra còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng tới 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hay cấm huy động vốn từ 01 năm tới 03 năm.

Trên đây là những thông tin tư vấn về xử lý hình sự về tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên cần biết. Nếu các bạn có bất cứ thắc mắc nào thì đừng quên liên hệ tới Luật hình sự để được giải đáp kịp thời nhé./

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments