Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Google search engine
Homebiện pháp tư phápTruy tố là gì? Nhiệm vụ và ý nghĩa của việc truy...

Truy tố là gì? Nhiệm vụ và ý nghĩa của việc truy tố trong hình sự

Truy tố là một giai đoạn quan trọng trong tố tụng hình sự, là cơ sở pháp lý cho việc xét xử đối với người bị buộc tội tại phiên tòa, đảm bảo việc giải quyết vụ án được đúng sự thật khách quan, đúng quy định của pháp luật. Bài viết sau đây, Luật Hình sự sẽ tư vấn làm rõ các quy định về truy tố.

 truy tố
Truy tố là gì

Truy tố là gì?

Căn cứ theo Điều 1 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì truy tố là một trong các giai đoạn của tố tụng hình sự như khởi tố, điều tra, xét xử, thi hành án hình sự, trong đó Viện kiểm sát là chủ thể có thẩm quyền truy tố, tiến hành các hoạt động cần thiết nhằm mục đích đưa bị can ra trước Toà án để tiến hành xét xử hoặc ra các quyết định tố tụng khác phục vụ cho việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự.

          Trong quá trình giải quyết vụ án, truy tố là giai đoạn bắt đầu sau khi Viện kiểm sát đã nhận được hồ sơ vụ án cùng với bản kết luận điều tra đề nghị truy tố của Cơ quan điều tra hay cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra chuyển đến để Viện kiểm sát tiến hành các hoạt động nhằm xem xét quyết định việc truy tố, bổ sung tài liệu, chứng cứ hay quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án và kết thúc khi Viện kiểm sát ra bản cáo trạng hay quyết định truy tố chuyển tới Tòa án hoặc ra quyết định đình chỉ vụ án.

Nhiệm vụ truy tố

Tại Điều 15 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định thì trách nhiệm chứng minh tội phạm, người phạm tội sẽ thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, còn người bị buộc tội có quyền nhưng không có nghĩa vụ buộc phải chứng minh là mình vô tội. Theo đó, với nhiệm vụ, quyền hạn luật định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng những biện pháp hợp pháp nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án đảm bảo toàn diện và đầy đủ, làm rõ được chứng cứ buộc tội và chứng cứ xác định không có tội cũng như các tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của những người bị buộc tội.

          Để thực hiện được những yêu cầu đó, Viện kiểm sát cần nghiên cứu xem xét tất cả những vấn đề về thủ tục tố tụng cùng với các vấn đề thuộc về nội dung vụ án thể hiện qua hồ sơ điều tra là có căn cứ và đúng pháp luật.

          Như vậy, nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng trong giai đoạn truy tố là phải đảm bảo việc ra quyết định truy tố bị can ra trước Tòa cũng như các quyết định tố tụng khác là hoàn toàn có căn cứ và hợp pháp, đảm bảo việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm.

truy tố
Truy tố bị can ra trước Tòa

Ý nghĩa của truy tố

Giai đoạn truy tố là cơ sở, nền tảng cho việc chuyển sang giai đoạn xét xử sơ thẩm (khác với thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm) của Tòa án theo Điều 298 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Bởi lẽ, việc xét xử của Tòa án chỉ diễn ra khi có quyết định truy tố của Viện kiểm sát, lúc này Tòa án mới có thể thực hiện chức năng xét xử. Việc truy tố bị can trước Tòa của Viện kiểm sát có căn cứ, đúng pháp luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi, quan trọng cho Tòa án tiến hành công tác xét xử, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Thủ tục truy tố

Để quyết định việc có truy tố bị can ra trước Tòa án để xét xử hay không thì theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự cần phải trải qua các thủ tục như sau:

          – Đầu tiên, giao và nhận hồ sơ vụ án. Như đã nêu, truy tố là giai đoạn bắt đầu ngay từ khi Viện kiểm sát đã nhận được hồ sơ vụ án cùng với bản kết luận điều tra đề nghị truy tố của Cơ quan điều tra chuyển sang (Điều 238 Bộ luật tố tụng hình sự). Việc giao và nhận hồ sơ vụ án cùng với bản kết luận điều tra giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát theo Điều 133 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 phải được lập thành biên bản và được đưa vào hồ sơ vụ án.

          – Xác định thẩm quyền truy tố, theo Điều 239 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì Viện kiểm sát cấp nào thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra tương ứng với Viện kiểm sát cấp đó sẽ quyết định việc truy tố. Thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát sẽ xác định theo thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với vụ án đó.

          – Xác định thời hạn truy tố, việc quyết định truy tố phải được thực hiện đúng theo quy định về thời hạn Bộ luật tố tụng hình sự quy định tại Điều 240 với mỗi loại tội khác nhau.

          – Xác định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn hay biện pháp cưỡng chế theo Điều 241 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

          – Xác định có vụ án có thuộc trường hợp nhập hoặc tách vụ án theo Điều 242 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.          

– Sau khi, Viện kiểm sát đã nghiên cứu hồ sơ, chứng cứ, tài liệu có trong vụ án, căn cứ xác định hành vi phạm tội và các thủ tục trên, trong thời hạn quyết định việc truy tố, Viện kiểm sát sẽ phải ra một trong các quyết định đó là: bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố bị can trước Tòa (theo Điều 243); trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung (theo Điều 245) hoặc đình chỉ vụ án (theo Điều 248), tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.

truy tố
Viện kiểm sát ra quyết định truy tố

Thời hạn truy tố

Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà theo quy định của Điều 240 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, thời hạn để quyết định việc truy tố đối với mỗi loại tội có thể khác nhau. Tính từ ngày nhận được hồ sơ vụ án cùng với bản kết luận điều tra thì thời hạn truy tố sẽ tương ứng như sau:

          – 20 ngày đối với loại tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng. Trường hợp xét thấy cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể thực hiện việc gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng thời hạn gia hạn không quá 10 ngày. Theo đó thời hạn quyết định việc truy tố tổng cộng lên tới 30 ngày (bao gồm cả thời hạn gia hạn).

          – 30 ngày đối với loại tội phạm rất nghiêm trọng. Trường hợp xét thấy cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể thực hiện việc gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng thời hạn gia hạn không quá 15 ngày. Theo đó thời hạn quyết định việc truy tố tổng cộng lên tới 45 ngày (bao gồm cả thời hạn gia hạn).

          – 30 ngày đối với loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trường hợp xét thấy cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể thực hiện việc gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng thời hạn gia hạn không quá 30 ngày. Theo đó thời hạn quyết định việc truy tố tổng cộng lên tới 60 ngày (bao gồm cả thời hạn gia hạn).

Lưu ý: Thời hạn nêu trên là thời hạn quyết định việc truy tố. Có nghĩa là khoảng thời gian để Viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định như sau chứ không xác định là khoảng thời gian kể từ khi Viện kiểm sát nhận được hồ sơ vụ án cùng bản kết luận điều tra cho tới khi vụ án được đưa ra xét xử tại Tòa án. Các quyết định đó là:

  •  Quyết định về truy tố bị can trước Tòa ( có thể là bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố);
  •  Quyết định trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;
  •  Quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án hoặc bị can.

Trên đây là những thông tin tư vấn về quy định của pháp luật tố tụng hình sự về truy tố mà bạn cần biết. Nếu các bạn có bất cứ thắc mắc nào thì đừng quên liên hệ tới Luật hình sự để được giải đáp kịp thời nhé./

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments