Thứ Bảy, Tháng Ba 25, 2023
Google search engine
HomeTội xâm phạm trật tự quản lý kinh tếPháp luật hình sự 2015 quy định thế nào về tội rửa...

Pháp luật hình sự 2015 quy định thế nào về tội rửa tiền

Tội rửa tiền là hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm tới trật tự công cộng mà trực tiếp xâm phạm tới sự an toàn của hệ thống tài chính và tiền tệ của quốc gia. Bài viết sau đây, Luật Hình sự sẽ tư vấn làm rõ quy định của pháp luật hình sự hiện hành đối với tội rửa tiền.

tội rửa tiền
Quy định của pháp luật hình sự đối với tội rửa tiền

Khái niệm rửa tiền

Dựa trên quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật phòng, chống rửa tiền năm 2012 thì rửa tiền là hành vi của tổ chức hay cá nhân nhằm mục đích hợp pháp hóa nguồn gốc của những tài sản do phạm tội mà có, bao gồm các hành vi được quy định trong Bộ luật hình sự về tội rửa tiền. Như vật, rửa tiền là hành vi chuyển đổi tiền hay tài sản do người thực hiện hành vi phạm tội mà có được hay các khoản tiền hoặc tài sản do thu lợi bất chính mà có được từ hành vi phạm tội để trở thành tiền, tài sản mà được coi là hợp pháp.

Yếu tố cấu thành tội rửa tiền

Để xác định một người phạm tội rửa tiền cần phải xác định đủ 04 yếu tố cấu thành cơ bản của tội phạm này như sau:

          Một là, khách thể của tội phạm này. Tội rửa tiền ngoài việc xâm phạm tới trật tự công cộng còn trực tiếp xâm phạm tới sự an toàn của hệ thống tài chính và tiền tệ của quốc gia.

          Hai là, chủ thể của tội rửa tiền là người đã từ đủ 16 tuổi trở lên và thỏa mãn điều kiện đủ năng lực trách nhiệm hình sự theo Điều 12 Bộ luật Hình sự hoặc pháp nhân thương mại đã đủ các điều kiện chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015.

          Ba là, mặt chủ quan của tội phạm. Người phạm tội rửa tiền thực hiện hành vi phạm tội này với lỗi cố ý. Theo đó, người phạm tội rửa tiền đã nhận thức rõ được tính chất cũng như mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội nhưng vẫn thực hiện hành vi rửa tiền.          

Bốn là, mặt khách quan của tội rửa tiền được thực hiện qua hành vi khách quan đó là hành vi rửa tiền thông qua một trong số các hành vi cụ thể như sau:

tội rửa tiền
Các hành vi phạm tội rửa tiền

– Tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào các giao dịch tài chính, ngân hàng hay các giao dịch khác nhằm để che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền hoặc tài sản do mình phạm tội mà có được hoặc biết hay có những cơ sở để biết tiền, tài sản đó là do người khác phạm tội mà có;

          – Sử dụng tiền hoặc tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có những cơ sở để biết tiền, tài sản đó là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành những hoạt động kinh doanh hay các hoạt động khác

          – Che giấu các thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự cũng như vị trí, quá trình di chuyển hay quyền sở hữu đối với tiền hoặc tài sản do mình phạm tội mà có được hoặc biết hay có những cơ sở để biết tiền, tài sản đó là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở quá trình xác minh các thông tin đó;

          – Thực hiện một trong những hành vi kể trên đối với tiền hoặc tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch hay chuyển nhượng, chuyển đổi tiền hoặc tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có được.

          – Trợ giúp cho các tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm đã được thực hiện để nhằm trốn tránh những trách nhiệm pháp lý bằng việc thực hiện hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có;

          – Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm mà nhận được tài sản đã biết rõ các tài sản đó là do thực hiện hành vi phạm tội mà có, nhằm để hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản đó.

          Lưu ý: Các hành vi phạm tội như trên nếu liên quan tới các hành vi phạm tội khác như để che giấu, hợp thức hóa tài sản từ hành vi hối hộ hay từ hành vi phạm tội về chức vụ,… thì người phạm tội có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ theo Điều 354 Bộ luật Hình sự; các tội phạm khác nếu hành vi đó đã đủ yếu tố cấu thành các tội phạm này.

Quy định pháp luật về tội rửa tiền

Tội rửa tiền được pháp luật hình sự quy định cụ thể tại Điều 324 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 với 05 khoản truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, trong đó mức phạt cao nhất có thể bị áp dụng là 15 năm tù và 01 khoản truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại có mức phạt tiền cao nhất là 20 tỉ đồng. Cụ thể quy định như sau:

“Điều 324 Tội rửa tiền

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;

b) Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

e) Tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

g) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.

4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g và h khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm”.

Khung hình phạt đối với tội rửa tiền

Theo Điều 324 Bộ luật Hình sự thì người phạm tội sẽ bị xử lý hình sự với một trong 03 khung hình phạt chính, 01 khung hình phạt đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội và khung hình phạt bổ sung. Mặc dù đã được quy định cụ thể về khung hình phạt nhưng thực tiễn công tác thi hành án hình sự với các mức phạt tiền trên vẫn gặp một số khó khăn nhất định. Cụ thể khung hình phạt như sau:

tội rửa tiền
Hình phạt đối với tội rửa tiền được quy định như thế nào

          – Khung hình phạt 1: Phạt tù từ 01 năm tới 05 năm.

          – Khung hình phạt 2: Phạt tù từ 05 năm cho đến 10 năm khi người phạm tội có các tình tiết tại khoản 2 Điều này.

          – Khung hình phạt 3: Phạt tù từ 10 năm cho đến 15 năm khi người phạm tội có các tình tiết tại khoản 3 Điều này.

          Về trường hợp chuẩn bị phạm tội, người chuẩn bị phạm tội này sẽ bị áp dụng mức phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm

          Về hình phạt bổ sung: Người phạm tội ngoài bị áp dụng một trong 03 khung hình phạt chính trên, còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung với mức phạt tiền từ 20 triệu đồng tới 100 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ hay cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm tới 05 năm hoặc tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản.

          Đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì sẽ xử lý hình sự với 04 khung hình phạt chính và hình phạt bổ sung như sau:

          – Phạt tiền từ 1 tỉ đồng tới 5 tỉ đồng nếu thuộc khoản 1 Điều này;

               – Phạt tiền từ 5 tỉ đồng tới 10 tỉ đồng nếu thuộc điểm a, c, đ, e, g, h khoản 2 Điều này;

             – Phạt tiền từ 10 tỉ đồng tới 20 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm tới 03 năm nếu thuộc khoản 3 Điều này;

             – Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn với trường hợp phạm tội theo Điều 79 Bộ luật Hình sự

             Về hình phạt bổ sung, ngoài những hình phạt chính kể trên thì pháp nhân thương mại phạm tội rửa tiền còn có thể bị phạt từ từ 1 tỉ đồng tới 5 tỉ đồng hoặc cấm kinh doanh hay hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn với thời hạn từ 01 năm tới 03 năm.

          Trên đây là những thông tin tư vấn về quy định của luật hình sự về xử lý hình sự đối với tội rửa tiền mà bạn cần biết. Nếu các bạn có bất cứ thắc mắc nào thì đừng quên liên hệ tới Luật hình sự để được giải đáp kịp thời nhé./

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments