Hành vi phá thai trái phép đang là vấn đề đáng báo động, mang tính vô nhân đạo và cần xử lý nghiêm minh. Pháp luật đã có những quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính cũng như xử lý hình sự đối với hành vi phá thai trái phép. Bài viết sau, Luật hình sự sẽ làm rõ các quy định của Bộ luật hình sự về tội phá thai trái phép.

Thế nào là tội phá thai trái phép
Phá thai trái phép là hành vi chủ động phá bỏ hay hủy bỏ thai nhi cho người khác trước khi đến kỳ hạn sinh đẻ của người đó mà không được phép (không có giấy phép) của cơ quan có thẩm quyền chuyên môn. Hành vi phá thai trái phép có thể thể hiện ở dưới nhiều hình thức khác nhau mà thường thấy là hình thức nạo thai trái phép. Hành vi này thường xảy ra do nhiều nguyên nhân tác động khác nhau như có thai ngoài ý muốn, cưỡng ép kết hôn,…
Yếu tố cấu thành tội phá thai trái phép
Để xác định một người phạm tội phá thai trái phép cần phải xác định đủ 04 yếu tố cấu thành cơ bản của tội phá thai trái phép như sau:
Một là, khách thể của tội phạm này. Tội phá thai trái phép không những xâm phạm tới trật tự công cộng mà còn xâm phạm tới sự an toàn về sức khỏe sinh sản và tính mạng cũng như sức khỏe của người phụ nữ.
Hai là, chủ thể của tội phá thai trái phép là người đã từ đủ 16 tuổi trở lên và thỏa mãn điều kiện đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Ba là, mặt chủ quan của tội phạm. Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội phá thai trái phép với lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý. Theo đó, đối với lỗi cố ý trong trường hợp ở mặt khách quan của tội phạm chỉ có hành vi khách quan nguy hiểm theo điểm d của khoản 1 Điều 316 Bộ luật Hình sự năm 2015. Người phạm tội với lỗi cố ý đã nhận thức rõ được tính chất cũng như mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội nhưng vẫn thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng.
Về lỗi vô ý, trong trường hợp mặt khách quan của tội phạm có dấu hiệu hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi khách quan gây ra (cụ thể các hậu quả tại điểm a, b và c khoản 1 Điều 316 Bộ luật Hình sự đó là làm chết người hay gây thương tích hoặc đã gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Người phạm tội với lỗi vô ý đã nhận thức rõ được tính chất cũng như mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, thấy trước được hậu quả nhưng lại cho rằng hậu quả đó không xảy ra hay có thể ngăn ngừa được hoặc không thấy trước nhưng buộc phải thấy trước và có thể thấy trước được hậu quả đó nếu có sự chú ý cần thiết.
Bốn là, mặt khách quan của tội phá thai trái phép thể hiện qua hành vi khách quan đó là hành vi phá thai trái phép cho người khác cụ thể thể hiện như thực hiện việc phá thai ở những nơi mà không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền hay các cơ sở không có giấy phép để thực hiện việc phá thai… Hành vi phá thai trái phép có thể do việc mang thai ngoài mong muốn hay trường hợp mang thai hộ trái phép sau đó người phụ nữ không muốn giữ thai nhi đã phá thai trái phép,…

Hành vi phá thai trái phép kể trên chỉ cấu thành tội phá thai khi có một trong các hậu quả, dấu hiệu sau:
– Gây thiệt hại cho tính mạng (làm chết người nhưng người phạm tội không cố ý gây ra hậu quả này).
– Gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác (tỉ lệ thương tổn cơ thể từ 61% trở lên; nếu gây tổn hại sức khỏe cho 2 người trở lên thì tổng tỉ lệ thương tổn cơ thể từ 61% trở lên).
– Đã bị xử lý kỷ luật hay xử phạt hành chính về hành vi vi phạm này.
– Đã bị kết án về tội phá thai trái phép nhưng chưa được xóa án tích mà còn tiếp tục vi phạm.
Quy định pháp luật về tội phá thai trái phép
Tội phá thai trái phép được pháp luật hình sự quy định cụ thể tại Điều 316 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 với 04 khoản truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, trong đó mức phạt cao nhất có thể bị áp dụng là 15 năm tù. Cụ thể quy định như sau:
“Điều 316 Tội phá thai trái phép
1. Người nào thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Trên đây là những thông tin tư vấn về quy định của Bộ luật hình sự về xử lý đối với tội phá thai trái phép mà bạn cần biết. Nếu các bạn có bất cứ những thắc mắc nào thì đừng quên liên hệ cho Luật hình sự để được giải đáp kịp thời nhé./