Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Google search engine
Homebiện pháp tư phápThế nào là thi hành án hình sự và các quy định...

Thế nào là thi hành án hình sự và các quy định pháp luật cần biết

Thi hành án hình sự là việc cơ quan và những người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về thi hành án đưa bản án, quyết định của Tòa án ra thi hành nhằm buộc người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội phải chấp hành. Bài viết sau đây, Luật Hình sự sẽ làm rõ những quy định cần biết về thi hành án hình sự.

thi hành án hình sự
Quy định pháp luật về thi hành án hình sự

Thế nào là thi hành án hình sự

Thi hành án hình sự là một trong những hoạt động của Nhà nước, do các cơ quan Nhà nước và người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đưa các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật ra thi hành, buộc người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội phải chấp hành án; việc tiến hành thi hành án được bảo đảm thực hiện bằng những biện pháp Nhà nước theo một trình tự và thủ tục chặt chẽ; buộc tất cả các cơ quan cũng như tổ chức và công dân đều phải tôn trọng và phải nghiêm chỉnh thi hành.

Nguyên tắc thi hành án hình sự

Theo quy định tại Điều 4 Luật thi hành án hình sự năm 2019 thì nguyên tắc thi hành án hình sự bao gồm có 08 nguyên tắc. Cụ thể nội dung của từng nguyên tắc như sau:

Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước cũng như các quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân

          – Đây là một trong những nguyên tắc pháp lý cơ bản nhất trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức và công dân được quy định tại Điều 8 Hiến pháp 2013. Theo nguyên tắc này, mọi hoạt động thi hành án phải được thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ và thực hiện đúng theo Hiến pháp và pháp luật.

          – Hoạt động thi hành án phải đúng người, tuân thủ đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, công tác thi hành án cũng hết sức đặc biệt chú trọng tới việc phải bảo đảm các quyền con người.

Bảo đảm thực hiện một cách nghiêm chỉnh bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án

          Đây là nguyên tắc quan trọng và xuyên suốt quá trình thi hành án. Những bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (khi đã hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm hoặc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm) phải được thi hành (có giá trị cả về pháp lý cũng như thực tiễn). Việc tôn trọng và chấp hành thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải tuyệt đối. Theo đó, mọi hành vi can thiệp tới việc thi hành án một cách trái pháp luật đều bị ngăn cấm và xử lý theo quy định của pháp luật.

Bảo đảm nhân đạo; không tra tấn, dùng nhục hình, truy bức hay bất kỳ một hình thức đối xử nào khác mà xâm phạm tới các quyền và lợi ích hợp pháp của người chấp hành án

          Những cơ quan chức năng và những người có thẩm quyền phải luôn có thái độ đúng đắn trong công tác thi hành án. Mọi biện pháp hay phương tiện sử dụng phải phù hợp với quy định pháp luật, với đạo đức cũng như với thuần phong mỹ tục. Hơn hết là phải luôn thực hiện đầy đủ, đúng và nghiêm chỉnh các chính sách và chế độ của Nhà nước đối với người chấp hành án (lưu ý trừ hình phạt tử hình). Nghiêm cấm những hành vi vi phạm pháp luật như tra tấn, truy bức hay dùng nhục hình đối với người phải thi hành án.

Kết hợp trừng trị với cải tạo, việc áp dụng biện pháp giáo dục cải tạo phải dựa trên cơ sở tính chất và mức độ phạm tội, độ tuổi cũng như sức khỏe, giới tính, trình độ văn hóa và những đặc điểm nhân thân khác của người chấp hành án

          Nguyên tắc này được quy định nhằm làm cho người chấp hành án nhận thức được lỗi lầm của mình, ăn năn, hối cải và tu dưỡng rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội; răn đe, giáo dục họ và người khác từ bỏ những ý định phạm tội. Các biện pháp thi hành án cũng như các chế độ với người chấp hành án phải được cân nhắc, cá thể hóa tính toán đến đặc điểm nhân thân của họ nhằm áp dụng cho phù hợp với từng người.

Thi hành án đối với người mà dưới 18 tuổi chủ yếu nhằm hướng đến giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm và phát triển lành mạnh để trở thành những người tốt và có ích cho xã hội

          Nguyên tắc này xuất phát từ đặc điểm lứa tuổi này chưa được phát triển đầy đủ cả về thể chất và tinh thần, do đó khi áp dụng các hình phạt hay thi hành án chủ yếu hướng đến là giáo dục, cảm hóa giúp đỡ những người chấp hành án này nhận thức được những sai lầm và sửa chữa sai lầm của họ. Theo đó, việc thi hành án phải tạo điều kiện cả về học tập cũng như văn hóa có nghề nghiệp, có ý thức và tinh thần lao động. Ngoài ra, thi hành án với người dưới 18 tuổi có có quy định ưu tiên trong việc xét miễn, giảm hình phạt thi hành án.

thi hành án hình sự
Quyết định khen thưởng người chấp hành án cải tạo tích cực

Khuyến khích những người chấp hành án ăn năn, hối cải và tích cực học tập cũng như lao động cải tạo và tự nguyện bồi thường thiệt hại

          Việc học tập, lao động và cho họ thường xuyên tiếp cận tri thức hay kiến thức, kĩ thuật mới qua đó sẽ góp phần bồi đắp cho họ những tình yêu lao động, biết trân trọng những giá trị cũng như thành quả lao động mà họ đạt được. Thêm vào đó, nguyên tắc này được đặt ra giúp họ không có cảm giác tách biệt xã hội, xóa bỏ mặc cảm là đã từng phạm tội.

Bảo đảm các quyền khiếu nại, tố cáo những hành vi, quyết định trái pháp luật của người hay cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động thi hành án

          Theo nguyên tắc này, đối tượng khiếu nại, tố cáo là tất cả những hành vi, quyết định mà trái pháp luật của cơ quan hay người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự. Nguyên tắc này đảm bảo công tác thi hành án hình sự giúp được những người chấp hành án bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Bảo đảm sự tham gia của các cơ quan, tổ chức cũng như cá nhân và gia đình trong hoạt động giáo dục, cải tạo người chấp hành án

          Cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thi hành án, thực hiện đầy đủ yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành án. Đồng thời, có trách nhiệm giám sát hoạt động thi hành án của cơ quan thi hành án, kịp thời phát hiện, kiến nghị, yêu cầu khắc phục sai phạm trong thi hành án. Cơ quan, tổ chức và cá nhân, gia đình có mối quan hệ với người chấp hành án có trách nhiệm khuyên răn, động viên giúp đỡ để họ sớm hòa nhập cộng đồng, ăn năn hối cải, hoàn lương.

Cơ quan thi hành án hình sự

Để đảm bảo cho việc thi hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án được đúng quy định pháp luật thì tại Điều 11 Luật thi hành án hình sự năm 2019 đã quy định cụ thể về hệ thống tổ chức thi hành án hình sự bao gồm ba nhóm chính:

  • Cơ quan quản lý thi hành án hình sự:

          – Cơ quan quản lý thi hành án hình sự nằm trong Bộ Công an;

          – Cơ quan quản lý thi hành án hình sự nằm trong Bộ Quốc phòng.

  • Cơ quan thi hành án hình sự  gồm có:

          – Trại giam:  thuộc Bộ Công an; thuộc Bộ Quốc phòng; thuộc quân khu;

          – Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh (bao gồm cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương);

          – Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện ( bao gồm cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cũng như thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương);

          – Cơ quan thi hành án hình sự  cấp quân khu (bao gồm cấp quân khu và tương đương).

  • Cơ quan được giao một số nhiệm vụ trong thi hành án hình sự đó là:

          – Trại tạm giam:  thuộc Bộ Công an và thuộc Bộ Quốc phòng, thuộc Công an cấp tỉnh, cấp quân khu;         

          – Ủy ban nhân dân cấp xã;

          – Đơn vị quân đội  (bao gồm cấp trung đoàn và tương đương).

Những điều cần lưu ý về thi hành án hình sự

Trong quá trình thi hành án hình sự, các cơ quan, tổ chức và cá nhân cần lưu ý các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

thi hành án hình sự
Những vấn đề cần lưu ý trong thi hành án hình sự

          – Phá hủy hay hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản cơ sở quản lý, giam giữ; tổ chức trốn hay thực hiện việc  trốn khỏi nơi quản lý, giam giữ…

          – Không chấp hành, thi hành quyết định thi hành án; có hành vi cản trở hoặc chống lại việc thực hiện nội quy và quy chế về thi hành án…

          – Hành vi tổ chức, kích động, hay xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ hoặc giúp sức, cưỡng bức những người khác vi phạm quy định về thi hành án; trả thù,… những người có trách nhiệm trong thi hành án.

          – Không ra các quyết định thi hành án hình sự hay không thi hành các quyết định trả tự do theo đúng quy định của pháp luật…

          – Đưa hối lộ hay nhận hối lộ, môi giới hối lộ hoặc nhũng nhiễu trong thi hành án.

          – Tha người đang bị giam hay người bị áp giải thi hành án một cách trái pháp luật; thiếu trách nhiệm trong thi hành án dẫn tới việc người chấp hành án trốn.

          – Lợi dụng hay lạm dụng chức vụ, quyền hạn để đề nghị việc miễn, giảm, hoãn, tạm đình chỉ, tha tù trước thời hạn có điều kiện…

          – Tra tấn hay đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo hay có hành vixâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của người hoặc pháp nhân thương mại chấp hành án.

          – Cấp hoặc từ chối cấp trái quy định của pháp luật các giấy tờ, thủ tục về thi hành án hình sự.

          – Làm sai lệch các hồ sơ hay sổ sách về thi hành án hình sự…

          Các hành vi trên đây nếu đã đủ yếu tố cấu thành các tội phạm cụ thể theo Bộ luật Hình sự hiện hành thì người chấp hành án hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng như tội lạm quyền trong thi hành công vụ, tội cản trở việc thi hành án,…

          Trên đây là những thông tin tư vấn về quy định của pháp luật về thi hành án hình sự mà bạn cần biết. Nếu các bạn có bất cứ những thắc mắc nào thì đừng quên liên hệ tới Luật hình sự để được giải đáp kịp thời nhé./

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments