I. Pháp chế doanh nghiệp là gì?

Hiểu đơn giản, pháp chế doanh nghiệp là vị trí có vai trò tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, hỗ trợ cơ quan quản lý, điều hành trong doanh nghiệp và thực hiện các công việc phát sinh liên quan đến pháp luật trong doanh nghiệp.

Nếu chúng ta tách từng nghĩa đen trong cụm từ này và suy ra ý nghĩa tổng quan toàn bộ của pháp chế doanh nghiệp.

  • Pháp: là luật, là quy tắc, quy định
  • Chế: bao hàm nghĩa là “tạo ra” và nghĩa là “điều tiết, kiểm soát”

Như vậy, có thể hiểu: Pháp chế Doanh nghiệp là vị trí có vai trò tạo ra các quy tắc, quy định trong nội bộ Doanh nghiệp, và điều tiết, kiểm soát hoạt động của Doanh nghiệp tuân thủ theo Luật, bao gồm Luật bên ngoài (Các văn bản pháp quy do nhà nước ban hành quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và các văn bản quy định, quy chế nội bộ do Doanh nghiệp ban hành để quản lý hoạt động nội bộ nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động hợp pháp và loại trừ các rủi ro pháp lý trong kinh doanh. Đồng thời, pháp chế doanh nghiệp là người đứng ra đại diện cho công ty, thay mặt công ty giải quyết các vấn đề về mặt pháp luật, pháp lý của công ty.

Thông thường, người làm lĩnh vực pháp chế doanh nghiệp thường là các luật gia, chuyên gia pháp lý, và đặc biệt là đội ngũ luật sư chuyên sâu trong các mảng luật doanh nghiệp và đầu tư, lao động, tài chính ngân hàng, bảo hiểm…

II. Vai trò của nhân viên pháp chế trong doanh nghiệp:

Căn cứ Điều 2 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (Nghị định số số 55/2011/NĐ-CP), tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước là đơn vị chuyên môn, có chức năng tham mưu, tư vấn cho Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp (gọi chung là lãnh đạo doanh nghiệp) về những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Điều 7 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP đã quy định những nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản của tổ chức pháp chế trong doanh nghiệp nhà nước. Để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức pháp chế doanh nghiệp cần nắm rõ và thực hiện theo các nghiệp vụ, kỹ năng sau:

1. Chủ trì, phối hợp với các bộ phận liên quan tư vấn, giúp Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung điều lệ của doanh nghiệp; xây dựng và ban hành nội quy, quy chế của doanh nghiệp; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Chủ trì hoặc tham gia soạn thảo các loại mẫu hợp đồng; có ý kiến về mặt pháp lý và thẩm định dự thảo hợp đồng do các bộ phận khác của doanh nghiệp soạn thảo trước khi trình Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp; tham gia đàm phán, ký kết hợp đồng.

3. Chủ trì, phối hợp các bộ phận liên quan giúp Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp góp ý đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan, tổ chức gửi xin ý kiến; tổng kết, đánh giá pháp luật liên quan đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

4. Chủ trì hoặc phối hợp với các tổ chức đoàn thể của doanh nghiệp phổ biến, giáo dục pháp luật, điều lệ, nội quy, quy chế của doanh nghiệp cho người lao động.

5. Chủ trì, phối hợp với các bộ phận liên quan giúp Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, điều lệ, nội quy, quy chế của doanh nghiệp; tổng kết, đánh giá thực trạng hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của người lao động trong doanh nghiệp.

6. Tư vấn hoặc tham mưu việc thuê tư vấn pháp luật đối với các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đánh giá rủi ro môi trường đầu tư, kinh doanh đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp ra nước ngoài; có ý kiến về mặt pháp lý đối với các quyết định về tổ chức, quản lý của doanh nghiệp.

7. Chủ trì hoặc phối hợp với các bộ phận liên quan giúp Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp tham gia giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và của người lao động; tham gia tố tụng hoặc tham mưu thuê luật sư tham gia tố tụng với tư cách người đại diện theo ủy quyền của Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

8. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp giao.

III. Các kỹ năng cần thiết đối với một pháp chế doanh nghiệp:

Thông thường, Doanh nghiệp sẽ hình thành ban pháp chế có nhiều hơn một người để thực hiện công tác tốt pháp chế. Tùy từng doanh nghiệp và nhu cầu kinh doanh  thì các tiêu chuẩn đặt ra đối với cá nhân ứng tuyển sẽ khác nhau. Tuy nhiên , tiêu chuẩn chung với người Pháp chế Doanh nghiệp như sau:

  • Có kiến thức học vấn đạt trình độ cử nhân luật trở lên;
  • Am hiểu Pháp luật  liên quan trực tiếp các lĩnh vực kinh doanh của công ty;.
  • Sử dụng tốt vi tính, thành thạo các phần mềm tin học văn phòng: Microsoft Word, Excel, PowerPoint;
  • Kỹ năng soạn thảo, tra cứu và thẩm định văn bản;
  • Kỹ năng hoạch định, triển khai, kiểm soát và báo cáo công việc;
  • Kỹ năng giao tiếp, đàm phán, thuyết phục;
  • Kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức hiệu quả;
  • Kỹ năng ngoại ngữ (Tùy từng đơn vị có yêu cầu hay không yêu cầu, hoặc yêu cầu ngoại ngữ là tiếng Anh hoặc thứ tiếng khác);

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here