Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra khắp mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, trong đó có cả Việt Nam. Do đó, nước ta đã có những quy định rõ ràng để xử lý những hành vi gây ô nhiễm môi trường, thậm chí là xử lý hình sự. Vậy với các tội phạm gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử lý như thế nào? Cùng Luật Hình sự tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Thế nào là ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm môi trường là hiện tượng môi trường tự nhiên bị ô nhiễm, đồng thời những tính chất hóa học, vật lý và sinh học của môi trường thay đổi, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của con người và các sinh vật khác sống trong môi trường đó.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc môi trường bị ô nhiễm, có thể kể đến là do những yếu tố tự nhiên như thiên tai, núi lửa phun trào, sự hòa tan nhiều chất muối khoáng có nồng độ quá cao (Asen, Fluor và các chất kim loại nặng…), sự phân hủy xác các sinh vật sống lâu ngày bị ngấm xuống đất,…; hay do tác nhân của con người như các hoạt động sinh hoạt hàng ngày (đặc biệt là từ các khách sạn, nhà hàng, bệnh viện,…), chất thải nông nghiệp (phân, nước tiểu gia súc, phân bón, hóa chất, chất độc hóa học, chất bảo vệ thực vật,… không được xử lý đúng quy trình), chất thải công nghiệp, các phương tiện giao thông (xe gắn máy, xe mô tô, ô tô,… sử dụng loại xăng và dầu diesel làm nhiên liệu, chất thải ở các xí nghiệp nhà máy xả trực tiếp ra môi trường hoặc chưa được xử lý đúng cách, đun nấu bằng các hóa thạch làm thải lượng CO2 lớn ra môi trường, hoặc ô nhiễm môi trường cũng có thể là do phóng xạ từ các vụ nổ hạt nhân, chiến tranh,…
Các loại ô nhiễm môi trường
Có nhiều cách để phân loại ô nhiễm môi trường, dưới đây là cách phân loại phổ biến nhất dựa theo đối tượng, cụ thể ô nhiễm môi trường được phân ra thành 04 loại sau:
– Ô nhiễm môi trường đất.
– Ô nhiễm môi trường nước.
– Ô nhiễm môi trường không khí.
– Ô nhiễm tiếng ồn.
Quy định pháp luật về tội ô nhiễm môi trường
Tội gây ô nhiễm môi trường pháp luật quy định cụ thể nhất tại Luật bảo vệ môi trường 2014 và Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Tùy theo cách thức và mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả thiệt hại cho môi trường mà những hành vi gây ô nhiễm môi trường có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí là phải chịu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể tại Điều 235 BLHS 2015 đã quy định rất rõ về tội gây ô nhiễm môi trường. Chúng ta có thể phân tích những dấu hiệu cấu thành tội phạm này theo quy định của pháp luật như sau:
- – Khách thể của tội gây ô nhiễm môi trường:
Tội phạm này xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường.
Đối tượng tác động của tội gây ô nhiễm môi trường này là môi trường gồm môi trường không khí, môi trường đất và môi trường nước.
– Mặt khách quan của tội phạm:
Hành vi khách quan ở đây là một số hành vi sau:
+ Chôn, lấp, đổ hay thải ra môi trường một cách trái pháp luật những chất thải nguy hại đặc biệt hoặc là những chất thải nguy hại thuộc Phụ lục A của Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy mà vượt quá mức cho phép (từ 1000 kilogram – dưới 3000 kilogram) hoặc là các chất thải nguy hại khác (từ 3000 kilogram – dưới 10.000 kilogram);
+ Xả hay thải ra môi trường nước thải có thông số môi trường nguy hại mà vượt quá mức cho phép quy chuẩn kỹ thuật của quốc gia về môi trường và số lượng xả ra trong 01 ngày;
+ Thải ra môi trường các loại chất khí có thông số môi trường nguy hại mà vượt quá mức cho phép về quy chuẩn kỹ thuật của quốc gia về môi trường và số lượng xả ra trong 1 ngày;
+ Chôn, lấp, đổ hay thải ra môi trường một cách trái pháp luật các loại chất thải rắn thông thường mà vượt quá tiêu chuẩn cho phép;
+ Xả ra môi trường các loại nước thải hay chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường những chất thải rắn hoặc là phát tán các loại khí thải chứa chất phóng xạ vượt quá tiêu chuẩn cho phép ra môi trường;
Các dấu hiệu khách quan khác:
Hậu quả: yếu tố hậu quả ở đây không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của đa số các tội phạm về môi trường kể cả tội gây ô nhiễm môi trường mà chúng ta đang tìm hiểu. Thay vào đó, các yếu tố hậu quả như gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, hay hậu quả đặc biệt nghiêm trọng… sẽ là những yếu tố định khung hình phạt (gọi là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự).
Ngoài ra, còn có các dấu hiệu khách quan khác khi xác định dấu hiệu và mức độ phạm tộ như các dấu hiệu định lượng liên quan đến tiêu chuẩn của các loại khói, bụi, chất độc, nước thải hoặc là các yếu tố độc hại khác để được phép thải, xả thải hay chôn, lấp, đổ,… ra môi trường.
Một số trường hợp cụ thể, dù hành vi vi phạm chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng xét dấu hiệu nhân thân đã có bị xử phạt hành chính về hành vi này rồi hoặc là đã bị kết án về tội này rồi, khi chưa được xóa án tích mà vẫn còn vi phạm thì cũng là một trong những dấu hiệu khách quan để định tội đối với tội gây ô nhiễm môi trường.
– Chủ thể của tội phạm: chủ thể của tội gây ô nhiễm môi trường là cả cá nhân và pháp nhân thương mại (với cá nhân thì phải đủ 16 tuổi trở lên và có đủ năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định).
– Mặt chủ quan của tội gây ô nhiễm môi trường: lỗi ở đây được xác định là lỗi cố ý.
Khung hình phạt đối với tội phạm gây ô nhiễm môi trường
Khung hình phạt đối với cá nhân phạm tội
Tùy theo mức độ và tính nguy hiểm của hành vi phạm tội mà người phạm tội gây ô nhiễm môi trường có thể bị áp dụng một trong các khung hình phạt sau:
- – Khung hình phạt cơ bản là phạt tiền từ 50 triệu đồng – 500 triệu đồng hoặc là phạt tù từ 03 tháng – 02 năm.
– Khung hình phạt tăng nặng gồm 02 mức là phạt tiền từ 500 triệu đồng – 01 tỷ đồng hoặc là phạt tù từ 01 năm – 05 năm và phạt tiền từ 01 tỷ đồng – 03 tỷ đồng hoặc là phạt tù từ 03 năm – 07 năm; - – Ngoài các khung hình phạt chính nêu trên thì cá nhân phạm tội còn có thể bị Tòa án xem xét áp dụng các hình phạt bổ sung khi xét thấy cần thiết như hình phạt tiền từ 30 triệu đồng – 200 triệu đồng hay cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc là làm công việc nhất định từ 01 năm – 05 năm.
Khung hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội
- Đối với trường hợp pháp nhân thương mại khi phạm tội gây ô nhiễm môi trường thì cũng tùy vào mức độ và tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà có thể bị áp dụng các khung hình phạt cụ thể như sau:
- – Khung hình phạt cơ bản là phạt tiền từ 03 tỷ đồng – 07 tỷ đồng;
- – Khung hình phạt tăng nặng gồm 03 mức là phạt tiền từ 07 tỷ đồng – 12 tỷ đồng hoặc là đình chỉ hoạt động từ 06 tháng – 02 năm; phạt tiền từ 12 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng hoặc là đình chỉ hoạt động từ 01 năm – 03 năm; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
- – Ngoài các khung hình phạt chính nêu trên thì pháp nhân thương mại phạm tội gây ô nhiễm môi trường còn có thể bị phạt tiền từ 01 tỷ đồng – 05 tỷ đồng, cấm kinh doanh hay hoạt động ở một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm – 03 năm.
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về các quy định của pháp luật hình sự đối với tội phạm về ô nhiễm môi trường. Hy vọng những kiến thức trên sẽ hữu ích với bạn. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tội và thông tin liên quan đến môi trường như tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại hay tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường tại đây để có thêm nhiều kiến thức pháp luật bổ ích. Chúc bạn thành công!