Người tham gia tố tụng là những người liên quan đến hành vi phạm tội, có các quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ án hay sự tham gia của họ là cần thiết nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Bài viết sau đây, Luật hình sự sẽ tư vấn và làm rõ các quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Khái niệm người tham gia tố tụng
Người tham gia tố tụng là cá nhân hay cơ quan, tổ chức tham gia vào các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Họ là những người mà có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc để nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác hay những người khác mà được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đề nghị, yêu cầu, triệu tập, tham gia vào các hoạt động tố tụng hình sự để làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến vụ án. Như vậy, người tham gia tố tụng là những người liên quan đến hành vi phạm tội, có các quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ án hay sự tham gia của họ là cần thiết nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.
Người tham gia tố tụng bao gồm những ai
Trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, từ khi bắt đầu khởi tố vụ án cho đến khi Toà án ra bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án có nhiều người tham gia vào quá trình tố tụng. Pháp luật tố tụng hình sự đã có các quy định những người này vào hai nhóm như sau: Người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng. Theo đó sẽ có 20 loại người tham gia tố tụng trong giải quyết vụ án hình sự bao gồm:
(1) Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;
(2) Người bị tố giác hay người bị kiến nghị khởi tố;
Người bị tố giác, kiến nghị khởi tố có thể hiểu là cá nhân hoặc tổ chức bị tố cáo, kiến nghị về hành vi có dấu hiệu tội phạm hay bị nghi đã thực hiện tội phạm.
(3) Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thường được hiểu là người phạm tội quả tang và người bị bắt theo các quyết định truy nã.
(4) Người bị bắt là người mà bị giữ trong trường hợp khẩn cấp hay người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã hoặc bị can hay bị cáo để tạm giam hoặc người bị yêu cầu dẫn độ.
(5) Người bị tạm giữ được hiểu là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hay phạm tội quả tang, người bị bắt theo các quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú hoặc đầu thú đối với họ đã có quyết định tạm giữ.
(6) Bị can là người hay pháp nhân mà đã bị khởi tố về hình sự;
(7) Bị cáo là người hay pháp nhân mà bị Tòa án có quyết định đưa ra xét xử;
(8) Bị hại là người bị thiệt hại về thể chất hay tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra. Sự thiệt hại về thể chất ( đó là về tính mạng, sức khỏe) về tinh thần (đó là về danh dự, nhân phẩm), về tài sản (như bị mất, bị chiếm đoạt hay bị hủy hoại, bị làm hư hỏng) này phải do chính các hành vi phạm tội trực tiếp gây nên hoặc đe dọa gây ra cho người bị hại. Trong trường hợp người bị hại mà chưa thành niên hay người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần thì người đại diện hợp pháp của bị hại có thể đại diện người bị hại để thực hiện quyền của người bị hại;

(9) Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan hay tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại;
(10) Bị đơn dân sự là cá nhân, cơ quan hay tổ chức mà pháp luật quy định là phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại;
(11) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân hay cơ quan, tổ chức mà có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự;
(12) Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm hay về vụ án và được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thông báo triệu tập đến làm chứng;
(13) Người chứng kiến là người mà được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu chứng kiến việc tiến hành các hoạt động tố tụng theo những quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;
(14) Người giám định là người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực cần giám định đồng thời được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu, hay người tham gia tố tụng yêu cầu giám định theo quy định của pháp luật;
(15) Người định giá tài sản là người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực giá và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, hay người tham gia tố tụng yêu cầu định giá tài sản theo quy định của pháp luật;
(16) Người phiên dịch, người dịch thuật là người mà có khả năng phiên dịch, dịch thuật và được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu trong trường hợp có những người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt hay có tài liệu tố tụng không thể hiện bằng tiếng Việt;
(17) Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa;
(18) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người mà được bị hại, hay đương sự nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp;
(19) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, hay bị kiến nghị khởi tố là người mà được người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố nhờ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp;
(20) Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, hay người đại diện khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Quy định pháp luật về người tham gia tố tụng
Có thể thấy rằng việc xác định tư cách người tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp cho những cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện được đúng các quy định của Bộ luật hình sự cũng như Bộ luật tố tụng hình sự và các quy định pháp luật có liên quan; đồng thời đảm bảo các quyền con người, quyền công dân cho các chủ thể theo t định. Theo quy định của Điều 55 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì có 20 loại người tham gia tố tụng trong giải quyết vụ án hình sự như kể trên. Những người này còn được quy định riêng, cụ thể tại các Điều 56 đến Điều 84 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Trong đó, bị hại hay người đại diện của bị hại có vai trò quan trọng trong việc xác định có căn cứ không khởi tố vụ án hình sự hay không theo khoản 8 Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Điều 55 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về diện (hay là các loại) người tham gia tố tụng thể hiện điểm mới so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 chỉ quy định về địa vị pháp lý của từng chủ thể mà được pháp luật xác định là người tham gia tố tụng chứ không có điều luật quy định cụ thể về các diện người tham gia tố tụng, điều này đã góp phần tạo nên sự thống nhất trong nhận thức cũng như trong thực tiễn áp dụng quy định về những người tham gia tố tụng, tránh trường hợp có người tham gia vào quá trình giải quyết vụ án nhưng không được xác định là người tham gia tố tụng theo luật định. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm 07 người tham gia tố tụng mới so với quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, bao gồm: Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; Người chứng kiến; Bị hại; Người định giá tài sản; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; hay Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Ngoài ra, còn có sự bổ sung và thay đổi tên gọi quan trọng của 03 chủ thể gồm có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; Bị hại và Người phiên dịch, người dịch thuật. Việc sửa đổi, bổ sung đã tạo ra sơ sở pháp lý cho việc bảo vệ một cách toàn diện, đầy đủ hơn các quyền và lợi ích của những người có liên quan đến việc giải quyết vụ án đồng thời còn đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ luật hình sự năm 2015 cũng như các văn bản có liên quan. Cụ thể nội dung quy định của Điều 55 trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 như sau:

“Điều 55 Người tham gia tố tụng
1. Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
2. Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
3. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.
4. Người bị bắt.
5. Người bị tạm giữ.
6. Bị can.
7. Bị cáo.
8. Bị hại.
9. Nguyên đơn dân sự.
10. Bị đơn dân sự.
11. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
12. Người làm chứng.
13. Người chứng kiến.
14. Người giám định.
15. Người định giá tài sản.
16. Người phiên dịch, người dịch thuật.
17. Người bào chữa.
18. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.
19. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố.
20. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của Bộ luật này”.
Căn cứ theo Điều 71 Bộ luật Tố Tụng Hình Sự 2015 thì cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng buộc phải có trách nhiệm thông báo cũng như giải thích và bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015.
Trên đây là những thông tin tư vấn về quy định mới nhất của Bộ luật tố tụng hình sự về người tham gia tố tụng trong giải quyết vụ án hình sự mà bạn cần biết. Nếu các bạn có bất cứ những thắc mắc nào thì đừng quên liên hệ ngay tới Luật hình sự để được giải đáp kịp thời nhé./