Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Google search engine
Hometội phạmThế nào là lỗi cố ý gián tiếp và lỗi cố ý...

Thế nào là lỗi cố ý gián tiếp và lỗi cố ý gián tiếp trong tội giết người

Lỗi là một trong những dấu hiệu quan trọng trong cấu thành của tội phạm cơ bản và được chia thành 2 loại là lỗi cố ý và lỗi vô ý. Vậy thế nào là lỗi cố ý gián tiếp và lỗi cố ý gián tiếp trong tội giết người. Bài viết sau đây, Luật Hình sự sẽ tư vấn và làm rõ các vấn đề cần lưu ý về lỗi cố ý gián tiếp.

lỗi cố ý gián tiếp
Xác định lỗi cố ý gián tiếp

Thế nào là lỗi cố ý gián tiếp

Lỗi là thái độ tâm lý của một người đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội do người đó gây ra và đối với những hậu quả do hành vi đó đã gây ra được thể hiện dưới hình thức lỗi cố ý hay vô ý. Người thực hiện các hành vi gây thiệt hại cho xã hội chỉ bị coi là có lỗi nếu những hành vi đó là kết quả của sự tự lựa chọn của họ trong khi họ hoàn toàn có đủ điều kiện khách quan cũng như chủ quan để lựa chọn, thực hiện các xử sự khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội.

          Theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì có thể hiểu lỗi cố ý gián tiếp là thái độ tâm lý của người phạm tội khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhận thức rõ được các hành vi của mình là hành vi nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn hậu quả đó xảy ra nhưng lại vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra.

Phân biệt giữa lỗi cố ý và lỗi vô ý

Lỗi cố ý và lỗi vô ý là một trong 04 loại lỗi đượng quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, mặc dù đã được quy định cụ thể, nhưng khi xác định lỗi của người phạm tội cũng cần phân biệt rõ ràng giữa lỗi cố ý và lỗi vô ý.

          Đối với lỗi cố ý, quy định tại Điều 10 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 với 2 loại là lỗi cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp:

  • Lỗi cố ý trực tiếp là loại lỗi của một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì đã nhận thức được rõ hành vi của mình là có tính chất nguy hiểm cho xã hội; thấy trước hậu quả của hành vi đó cũng như mong muốn hậu quả nguy hiểm đó xảy ra. Theo đó:

          – Về lý trí: người phạm tội đã nhận thức rõ cũng như đầy đủ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi và đã thấy trước hậu quả sẽ xảy ra nếu thực hiện hành vi nguy hiểm đó.

          – Về ý chí: người phạm tội có ý mong muốn hậu quả nguy hiểm đó xảy ra.

  • Lỗi cố ý gián tiếp là loại lỗi của một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì nhận thức được rõ tính nguy hiểm cho xã hộido hành vi của mình; thấy trước hậu quả của hành vi nguy hiểm đó có thể xảy ra; tuy không mong muốn nhưng lại có ý thức để mặc hậu quả nguy hiểm đó xảy ra.

          – Về lý trí: họ cũng đã nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi nguy hiểm của họ có thể xảy ra.

          – Về ý chí: Vì người phạm tội đã thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội tất yếu có thể xảy ra một cách thực tế cũng như cụ thể và hoàn toàn có cơ sở vững chắc nên họ tuy không mong muốn hậu quả nguy hiểm đó xảy ra nhưng họ lại có thái độ để mặc cho nó xảy ra.

          Đối với lỗi vô ý, quy định tại Điều 11 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 với 2 loại là lỗi vô ý do quá tự tin và vô ý do cẩu thả:

  • Lỗi vô ý vì quá tự tin:

          – Về lý trí: người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội hay nói cách khác là chủ thể nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội từ chính những hành vi mà mình thực hiện.

          – Về ý chí: người phạm tội không mong muốn hành vi của mình gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội nhưng lại cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được hậu quả nguy hiểm đó.

  • Lỗi vô ý vì cẩu thả: là loại lỗi của một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đáng ra phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ xảy ra nhưng vì cẩu thả đã không thấy trước được hậu quả nguy hiểm đó.
lỗi cố ý gián tiếp
Sự khác nhau giữa lỗi cố ý và lỗi vô ý

So sánh lỗi cố ý gián tiếp với lỗi cố ý trực tiếp

Xét thấy rằng, lỗi cố ý gián tiếp với lỗi cố ý trực tiếp đều là hai trường hợp thuộc lỗi cố ý, theo đó thì về lí trí của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội ở cả 2 loại lỗi đều không có gì khác nhau. Sự khác nhau đặc trưng chủ yếu là nằm ở mặt ý chí của chủ thể có lỗi. Đó là mong muốn hậu quả nguy hiểm do hành vi của mình xảy ra hay tuy không mong muốn nhưng lại có ý thức để mặc cho nó xảy ra. Cụ thể sự khác nhau đó là:

          Về lý trí, đối với lỗi cố ý trực tiếp thì sự thấy trước hậu quả thiệt hại của người phạm tội ở đây có thể là thấy trước hậu quả đó sẽ tất nhiên phải xảy ra hay là có thể xảy ra.

          Đối với lỗi cố ý gián tiếp thì sự thấy trước hậu quả thiệt hại của người phạm tội ở đây chỉ có thể là thấy trước hậu quả đó sẽ có thể xảy ra. Bởi lẽ, thái độ của chủ thể có lỗi trong trường hợp thấy trước cả hai khả năng – khả năng hậu quả thiệt hại xảy ra và khả năng hậu quả thiệt hại không xảy ra mới có ý thức là để mặc cho hậu quả thiệt hại xảy ra.

          Về ý chí, đối với lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội thể hiện rõ ý chí chủ quan là mong muốn cho hậu quả thiệt hại xảy ra. Đối với trường hợp có lỗi cố ý gián tiếp thì người phạm tội không mong muốn nhưng lại có ý thức chủ quan rõ ràng là để mặc cho hậu quả thiệt hại xảy ra. 

Thế nào là lỗi cố ý gián tiếp trong tội giết người

Tội giết người là một trong những tội có tính chất và mức độ nguy hiểm đáng kể của hành vi phạm tội và người thực hiện hành vi phạm tội này xét về mặt chủ quan trong cấu thành tội phạm thì đã thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp). Dựa trên quy định về lỗi cố ý tại Điều 10 và tội giết người tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì có thể hiểu lỗi cố ý gián tiếp trong tội giết người là  lỗi của người phạm tội khi thực hiện các hành vi khách quan trong tội giết người thì nhận thức được rõ tính nguy hiểm cho xã hội do hành vi phạm tội của mình gây ra cũng như thấy trước được hậu quả của hành vi nguy hiểm đó có thể xảy ra (là làm chết người); tuy không mong muốn hậu quả nguy hiểm đó xảy ra nhưng lại có ý thức để mặc hậu quả xảy ra.

Ví dụ minh họa về lỗi cố ý gián tiếp

Ngày 11/01/2020, A (sinh năm 1991) chở B (sinh năm 1993) đang đi trên đường thì phát hiện phía trước có chị C đang đi cùng chiều. Thấy chị C mặc áo ngắn, giữa lưng quần và mông có một khoảng lộ phần mông trên nên B bàn với A dùng điếu thuốc đang hút bỏ vào khoảng trống giữa lưng quần và mông của chị C, để trêu chị C. Đồng ý với B nên A cho xe chạy áp sát vào xe chị C và B bỏ điếu thuốc đang hút vào giữa cạp quần và mông chị C, làm chị C giật mình, hốt hoảng buông tay lái và xe bị đổ.Chị C bị ngã xuống đường, đầu thì đập vào dải phân cách cố định dẫn đến tử vong ngay tại chỗ. Thời điểm xảy ra vụ việc thì chị C đang chạy xe với tốc độ khoảng 60 km/h. 

lỗi cố ý gián tiếp
Tội giết người với lỗi cố ý gián tiếp

          Xét về lỗi của A và B, thì đây là lỗi cố ý gián tiếp. Bởi lẽ, tuy A và B không có ý định giết chị C nhưng với hành vi bỏ điếu thuốc đang hút dở vào người chị C khi mà chị C đang chạy xe với tốc độ cao là khoảng 60 km/h thì buộc  A và B phải ý thức được rằng, hành vi của mình có thể sẽ gây hậu quả chết người. Mặc dù thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra nhưng A và B vẫn cố ý thực hiện hành vi đó để nhằm xem C phản ứng như thế nào hay nói cách khác là A và B đã có ý thức bỏ mặc cho hậu quả chết người xảy ra. Lưu ý, cần xác định lỗi chính xác của người phạm tội để định đúng tội danh giữa các tội như cố ý gây thương tích dẫn tới làm chết người, tội vô ý làm chết người,…

          Trên đây là những thông tin tư vấn về thế nào là lỗi gián tiếp và lỗi gián tiếp trong tội giết người mà bạn cần biết. Nếu các bạn có bất cứ những thắc mắc nào thì đừng quên liên hệ ngay tới Luật hình sự để được giải đáp kịp thời nhé./

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments