Thứ Bảy, Tháng Ba 25, 2023
Google search engine
HomeTội xâm phạm trật tự quản lý kinh tếMức xử phạt đối với tội làm giả con dấu tài liệu...

Mức xử phạt đối với tội làm giả con dấu tài liệu theo quy định pháp luật

Làm giả con dấu, tài liệu là hành vi đúc hay khắc con dấu giả… hay hành vi viết hoặc vẽ, in… để tạo ra các loại tài liệu giả giống với các loại tài liệu, giấy tờ thật của cơ quan, tổ chức để thực hiện hành vi trái pháp luật. Bài viết sau đây, Luật Hình sự sẽ làm rõ những quy định của pháp luật về xử lý tội làm giả con dấu, tài liệu.

làm giả con dấu tài liệu
Hành vi làm giả con dấu tài liệu

Khái niệm làm giả con dấu tài liệu

Làm giả con dấu tài liệu được hiểu là hành vi tạo ra các con dấu hay tài liệu giả mạo con dấu, tài liệu thật của cơ quan, tổ chức như khắc hay đúc con dấu giả, in, vẽ hình con dấu hoặc bằng các kỹ thuật điện tử hoặc thủ công khác để tạo ra các con dấu, tài liệu giả của cơ quan hay tổ chức hoặc ký chữ ký giả trong tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Yếu tố cấu thành tội làm giả con dấu tài liệu

Để xác định một người phạm tội theo Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015 cần phải xác định đủ 04 yếu tố của tội phạm này như sau:

          Một là, khách thể của tội phạm này. Tội phạm này đã xâm phạm tới trật tự quản lý hành chính Nhà nước mà chủ yếu xâm phạm tới chế độ quản lý của Nhà nước về con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

          Hai là, chủ thể của tội phạm này là người mà đã từ đủ 16 tuổi trở lên và thỏa mãn điều kiện đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

          Ba là, mặt chủ quan của tội phạm. Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội làm giả con dấu, tài liệu với lỗi cố ý. Theo đó, người phạm tội đã nhận thức rõ được tính chất cũng như mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội nhưng vẫn thực hiện các hành vi phạm tội.

          Bốn là, mặt khách quan của tội phạm này thể hiện qua hành vi khách quan đó là hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức thực hiện hành vi trái pháp luật như các hành vi đúc hay khắc con dấu giả… hay hành vi viết hoặc vẽ, in…  để tạo ra các loại tài liệu giả giống với các loại tài liệu, giấy tờ thật của cơ quan, tổ chức đang sử dụng.

làm giả con dấu tài liệu
Xử lý hình sự tội làm giả con dấu tài liệu

Lưu ý: Trường hợp người phạm tội có các hành vi phạm tội trên để thực hiện hành vi trái pháp luật mà hành vi đó thỏa mãn dấu hiệu pháp lý của một tội phạm khác thì người thực hiện hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội phạm độc lập khác mà hành vi phạm tội đó cấu thành. Có thể kể đến như hành vi làm giả con dấu, tài liệu với mục đích để chống người thi hành công vụ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ tại Điều 330; hay hành vi phạm tội trên được thực hiện để nhận hối lộ thì cũng có thể bị xử lý về tội nhận hối lộ nếu hành vi đó đã thỏa mãn đủ các dấu hiệu pháp lý theo quy định tại Điều 354.

Quy định pháp luật về tội làm giả con dấu tài liệu

Tội làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức được pháp luật hình sự quy định cụ thể tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 với 04 khoản truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, trong đó mức phạt cao nhất có thể bị áp dụng là 07 năm tù. Cụ thể quy định như sau:

          Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;                  

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm;

đ) Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Mức xử phạt hình sự đối với tội làm giả con dấu tài liệu

Trường hợp hành vi phạm tội trên đã thỏa mãn các dấu hiệu pháp lý cơ bản của tội phạm này theo Điều 341 Bộ luật Hình sự thì người phạm tội sẽ bị áp dụng một trong các khung hình phạt sau:

làm giả con dấu tài liệu
Mức xử phạt đối với tội làm giả con dấu tài liệu

          – Khung hình phạt 1: với mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng cho đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ tới 03 năm hay bị phạt tù từ 06 tháng tới 03 năm;

          Khung hình phạt 2: với mức phạt tù từ 02 năm tới 05 năm khi có các tình tiết tại khoản 2;

          Khung hình phạt 3: mức phạt tù từ 03 năm tới 07 năm nếu thuộc các tình tiết tại khoản 3 Điều này;

          Về hình phạt bổ sung, người phạm tội ngoài hình phạt chính trên còn có thể bị áp dụng mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng tới 50.000.000đồng.

Trên đây là những thông tin tư vấn quy định của pháp luật về mức xử phạt đối với tội làm giả con dấu, tài liệu mà bạn cần biết. Nếu các bạn có bất cứ thắc mắc nào thì đừng quên liên hệ tới Luật hình sự để được giải đáp kịp thời nhé./

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments