Khám nghiệm hiện trường là công tác quan trọng trong giải quyết vụ án hình sự phạm nhằm phát hiện các dấu vết, vật chứng chứng minh tội phạm và làm sáng tỏ vụ án. Bài viết sau đây, Luật hình sự sẽ tư vấn làm rõ quy định về khám nghiệm hiện trường mới nhất.

Khái niệm khám nghiệm hiện trường
Hiện trường là nơi xảy ra hay xuất hiện và tồn tại của vật chứng, dấu vết phản ánh tổng thể về vụ việc. Khám nghiệm hiện trường là việc xem xét nơi xảy ra hay nơi phát hiện tội phạm nhằm phát hiện những dấu vết của tội phạm hay vật chứng và nhằm làm sáng tỏ các tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án. Công tác này đã được pháp luật tố tụng hình sự quy định cụ thể nên có thể hiểu, khám nghiệm hiện trường là một biện pháp điều tra được tiến hành tại hiện trường vụ án nhằm để phát hiện, ghi nhận cũng như thu lượm, bảo quản, nghiên cứu và đánh giá dấu vết, vật chứng của các vụ hình sự hoặc vụ việc mà có tính chất hình sự đã xảy ra.
Các phương pháp khám nghiệm hiện trường hiện nay
Hiện nay, trong công tác khám nghiệm hiện trường, có nhiều phương pháp khám nghiệm, tùy vào tính chất và loại hiện trường cụ thể mà cán bộ làm công tác này sẽ sử dụng phương pháp khám nghiệm hiện trường nhất định để đảm bảo hiệu quả, đạt được mục đích và yêu cầu theo pháp luật quy định. Các phương pháp đó là:
– Phương pháp khám nghiệm lần theo dấu vết;
– Phương pháp khám nghiệm chia ô hay còn goin là theo khu vực;
– Phương pháp khám nghiệm theo hình xoáy ốc;
– Phương pháp khám nghiệm theo các đường thẳng song song;
– Phương pháp khám nghiệm cuốn chiếu;
– Phương pháp khám nghiệm theo hình bừa ruộng;
– Phương pháp khám nghiệm theo hình răng lược.
Quy định mới nhất về khám nghiệm hiện trường theo Bộ luật Tố tụng hình sự
Khám nghiệm hiện trường là một trong những biện pháp điều tra được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định cụ thể tại Điều 201 với các quy định về thẩm quyền, thủ tục, thành phần tham gia, nội dung khám nghiệm. Cụ thể quy định về biện pháp này như sau:

“Điều 201 Khám nghiệm hiện trường
1. Điều tra viên chủ trì tiến hành khám nghiệm nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm để phát hiện dấu vết của tội phạm, thu giữ vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử khác liên quan và làm sáng tỏ những tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án.
2. Trước khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian, địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử Kiểm sát viên kiểm sát khám nghiệm hiện trường. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường.
Khi khám nghiệm hiện trường phải có người chứng kiến; có thể cho bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng tham gia và mời người có chuyên môn tham dự việc khám nghiệm.
3. Khi khám nghiệm hiện trường phải tiến hành chụp ảnh, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, đo đạc, dựng mô hình; xem xét tại chỗ và thu lượm dấu vết của tội phạm, tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án; ghi rõ kết quả khám nghiệm vào biên bản. Biên bản khám nghiệm hiện trường được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này.
Trường hợp không thể xem xét ngay được thì tài liệu, đồ vật thu giữ phải được bảo quản, giữ nguyên trạng hoặc niêm phong đưa về nơi tiến hành điều tra.”
Vai trò của công tác khám nghiệm hiện trường
Xuất phát từ bản chất hiện trường là nơi xảy ra hay nơi phát hiện tội phạm nên ở đó sẽ có những tài liệu, vật chứng, dấu vết phục vụ cho việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự nên công tác khám nghiệm được tiến hành và có vai trò vô cùng quan trọng trong giải quyết vụ án đó là:
Công tác này là một công đoạn bắt buộc và quan trọng trong giai đoạn điều tra, được bắt đầu ngay từ khi có vụ việc xảy ra, có vai trò to lớn trong việc truy nguyên tội phạm bằng việc thông qua những gì được thu thập tại hiện trường vụ án. Nhiều vụ án hung thủ còn tìm mọi cách thủ tiêu những chứng cứ, lẩn trốn hoặc không chịu khai báo cũng như gây khó khăn cho công tác điều tra, một số đối tượng còn thoái thác, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Kết quả của công tác khám nghiệm là kết quả mang tính chính xác cao bởi được ứng dụng khoa học kỹ thuật vào kiểm tra những dấu vết cũng như vật chứng để lại tại hiện trường, qua đó, phần nào giúp cơ quan tiến hành tố tụng xác định được việc có hay không dấu hiệu của tội phạm và là một cơ sở bắt buộc để cơ quan có thẩm quyền xác định có căn cứ không khởi tố vụ án hình sự hay có căn cứ khởi tố hay không.

Thực tiễn công tác khám nghiệm hiện trường hiện nay
Công tác khám nghiệm hiện trường giúp cho việc điều tra, truy tố cũng như xét xử các vụ án hình sự đạt hiệu quả và chất lượng cao. Những năm qua, các vụ án hình sự cơ bản được điều tra, truy tố và xét xử kịp thời đã tạo niềm tin trong nhân dân và góp phần đảm bảo được ổn định trật tự, an toàn xã hội trọng địa bàn.
Tuy nhiên, công tác này trong một số vụ án hình sự vẫn còn những thiếu sót, vi phạm nhất định; các vụ án khi khởi tố, phê chuẩn khởi tố, điều tra và truy tố, xét xử còn thiếu căn cứ phải bổ sung dẫn tới các vụ án phải trả hồ sơ do thiếu sót trong công tác khám nghiệm trước đó. Trong các thiếu sót của Điều tra viên về thu thập chứng cứ trong khám nghiệm thì một số trường hợp, Kiểm sát viên khi kiểm sát công tác này cũng không phát hiện cũng như kịp thời để yêu cầu bổ sung, khắc phục.
Trong quá trình khám nghiệm, Điều tra viên thường chỉ chú trọng vào những dấu vết đặc trưng của từng loại hiện trường, dẫn đến khi thu thập dấu vết cũng như vật chứng đã bỏ lọt và bỏ sót nhiều dấu vết, đặc biệt là dấu vết quan trọng để chứng minh tội phạm. Ngược lại, có trường hợp việc thu lượm dấu vết mẫu vật lại diễn ra một cách tràn lan, thiếu định hướng và gây khó khăn cho công tác đánh giá chứng cứ và việc giám định sau này. Một số trường hợp chứng cứ, tài liệu thu thập được do chưa có kết quả giám định, hay định giá tài sản nên cơ quan điều tra đã phải tạm đình chỉ điều tra.
Trên đây là những thông tin tư vấn về quy định mới nhất của Bộ luật tố tụng hình sự về khám nghiệm hiện trường mà bạn cần biết. Nếu các bạn có bất cứ những thắc mắc nào thì đừng quên liên hệ ngay tới Luật hình sự để được giải đáp kịp thời nhé./