Giấy phép con là gì?

Hiện nay, chưa có pháp luật hay định nghĩa cụ thể nào về “Giấy phép con”. Đây là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực doanh nghiệp.

Khi các doanh nghiệp thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp sẽ phải đăng ký ngành nghề kinh doanh mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, trong các ngành nghề kinh doanh thì  có những ngành nghề có điều kiện, các ngành nghề này bắt buộc doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định thì mới hoạt động kinh doanh ngành nghề đó. Để hợp pháp hóa các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cấp giấy phép chứng nhận doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện để kinh doanh ngành nghề đó – thường gọi chung là “giấy phép con”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư 2020, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020 có quy định về các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ví dụ:

  • Kinh doanh khách sạn 
  • Kinh doanh nhà hàng, quán karaoke
  • Sản xuất thực phẩm hay nước uống đóng chai
  • Sản xuất con dấu;
  • Kinh doanh công cụ hỗ trợ (bao gồm cả sửa chữa);
  • Kinh doanh các loại pháo, trừ pháo nổ;
  • Kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị;
  • v.v…

Như vậy, “Giấy phép con” được hiểu là giấy tờ pháp lý cấp cho cá nhân, tổ chức để chứng nhận họ đủ điều kiện kinh doanh một, một số ngành, nghề có điều kiện. Giấy phép con có vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp vì nó đảm bảo về mặt pháp lý, đảm bảo điều kiện hoạt động kinh doanh, sự cho phép của cơ quan quản có thẩm quyền khi doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề có điều kiện. Giấy phép con thường có thời hạn sử dụng cụ thể. Khi hết thời hạn thì doanh nghiệp phải xin gia hạn giấy phép con hoặc xin cấp mới nếu muốn tiếp tục kinh doanh ngành nghề đó.

Khi nào cần phải xin “Giấy phép con”?

Căn cứ khoản 1 Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020, nghĩa vụ của doanh nghiệp là phải đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Theo khoản 2 Điều 89 Nghị định 01/2021/NĐ – CP, hộ kinh doanh được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động.

Vậy cá nhân, tổ chức khi đăng ký kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh tại Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020 đều phải xin giấy phép con của ngành, nghề đó. Nếu cá nhân, tổ chức kinh doanh những ngành, nghề khác ngoài Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020 thì không phải xin giấy phép con.

Hình thức “Giấy phép con”

Theo khoản 6 Điều 7 Luật Đầu tư 2020, giấy phép con sẽ được cấp dưới các hình thức sau:

– Giấy phép;

– Giấy chứng nhận;

– Chứng chỉ;

– Văn bản xác nhận, chấp thuận;

– Các yêu cầu khác mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.

Một số khó khăn trong việc xin “Giấy phép con”

Trong quá trình xin giấy phép con, cá nhân, doanh nghiệp cũng thường gặp nhiều khó khăn như:

  • Doanh nghiệp vẫn chưa tìm hiểu hết các quy định về điều kiện xin cấp Giấy phép con theo qui định pháp luật. Cụ thể, theo qui định tùy từng loại Giấy phép con sẽ có những điều kiện khác nhau. Ví dụ như có một số Giấy phép con muốn được cấp thì doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều điều kiện kinh doanh mà không phải chỉ một điều kiện: Để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc thì doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về nhân sự, bằng cấp, cơ sở vật chất, thậm chí để xin được giấy phép con này thì phải có nhiều các giấy phép con khác.., 
  • Doanh nghiệp chưa hiểu được đầy đủ quy trình thủ tục xin cấp “Giấy phép con”. Vì ngoài luật chuyện ngành cho ngành, nghề doanh nghiệp kinh doanh ra còn có Nghị định, Thông tư, Công văn hướng dẫn chi tiết. Để tìm hiểu và nắm bắt đầy đủ các quy định của pháp luật thì thực sự là khó khăn với doanh nghiệp, đặc biệt là khi phải hệ thống lại các quy định của pháp luật.
  • Ngoài ra việc chờ đợi văn bản pháp luật quy định thủ tục quá lâu gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động vì khó khăn này. Ví dụ: một quy trình thủ tục được thay thế quy trình thủ tục cũ thì trong khoảng thời gian chờ đợi thông tư hướng dẫn, văn bản chỉ đạo củ thể phải mất ít nhất 6 tháng, trong thời gian chờ này thì doanh nghiệp bắt buộc phải tạm dừng hoạt động kinh doanh, chờ đợi đến khi có hướng dẫn chính thức mới được phép nộp hồ sơ xin cấp phép. Còn những doanh nghiệp đã được cấp phép rồi, thì một số trường hợp lại phải xin cấp phép lại vì phải đáp ứng điều kiện mới

Hồ sơ thủ tục xin cấp “Giấy phép con”

Căn cứ những theo những quy định đối với từng loại ngành, nghề có điều kiện, cá nhân tổ chức chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền để xin giấy phép con cho ngành, nghề đó. Một số hồ sơ thường có khi tiến hành thủ tục xin cấp Giấy phép con gồm:

– Văn bản đề nghị cấp giấy phép kinh doanh;

– Thông tin của người đứng đầu của doanh nghiệp;

– Giấy chứng nhận đã tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ của người đứng đầu doanh nghiệp;

– Giấy giới thiệu;

– Danh sách thành viên của doanh nghiệp;

– Các giấy tờ khác theo quy định;

– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

– Phương án hoạt động của doanh nghiệp;

Ví dụ về thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô :

Điều kiện đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách:

Phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô với cá nhân, tổ chức hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành xe ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã.

  • Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định phải có sức chứa từ 09 chỗ trở lên (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng như sau:
  • Không quá 15 năm với xe hoạt động trên tuyến cự ly trên 300 ki-lô-mét;
  • Không quá 20 năm với xe hoạt động trên tuyến có cự ly từ 300 ki-lô-mét trở xuống.
  • Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt có niên hạn sử dụng không quá 20 năm;
  • Xe taxi phải có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm.
  • Xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch có niên hạn sử dụng không quá 15 năm. Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có niên hạn sử dụng như sau:
  • Không quá 15 năm đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 300 ki-lô-mét;
  • Không quá 20 năm đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly từ 300 ki-lô-mét trở xuống.

Riêng xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách du lịch và xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) sử dụng hợp đồng điện tử có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất).

  • Thủ tục xin giấp phép kinh doanh vận tải:

Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã:

STTTài liệu
 1Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh 
 2Bản sao văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành vận tải
   3  Bản sao hoặc bản chính Quyết định thành lập và quy định chức  năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông (áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử)

Đối với hộ kinh doanh:

STTTài liệu
 1Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Nghị định 10/2020/NĐ-CP
 2Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here