Thứ Tư, Tháng Mười Hai 6, 2023
Google search engine
Hometố tụng hình sựCác điểm mới cần lưu ý của bộ luật tố tụng hình...

Các điểm mới cần lưu ý của bộ luật tố tụng hình sự 2015

Bộ luật Hình sự năm 2015 ra đời đã có nhiều sửa đổi, bổ sung, theo đó Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 với vai trò là luật hình thức cũng có nhiều điểm mới đã khắc phục những bất cập, hạn chế của BLTTHS năm 2003. Bài viết sau đây, Luật hình sự sẽ phân tích và làm rõ những điểm mới của BLTTHS 2015 cần lưu ý.

điểm mới của BLTTHS 2015
Điểm mới của BLTTHS 2015 cần lưu ý

Hiệu lực của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

Tại Điều 3 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (gọi tắt là BLTTHS năm 2015) quy định về hiệu lực của Bộ luật tố tụng hình sự như sau:

          “Điều 3. Hiệu lực của Bộ luật tố tụng hình sự

1. Bộ luật tố tụng hình sự có hiệu lực đối với mọi hoạt động tố tụng hình sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Hoạt động tố tụng hình sự đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tiến hành theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.

Trường hợp người nước ngoài thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc tập quán quốc tế thì được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì được giải quyết bằng con đường ngoại giao.”

          Theo đó, hiệu lực của BLTTHS 2015 về không gian thì BLTTHS năm 2015 đều chỉnh mọi hoạt động tố tụng hình sự từ giai đoạn khởi tố, điều tra cũng như truy tố, xét xử, thi hành án trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng thực hiện. Bao gồm cả đối với trường hợp thực hiện những hoạt động tố tụng theo ủy thác tư pháp.

           Điều 1 Hiến pháp năm 2013 đã nêu rõ về lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm có đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời thuộc chủ quyền của nước Việt Nam. Thêm vào đó, Luật tố tụng hình sự Việt Nam còn điều chỉnh cả những hoạt động tố tụng diễn ra trên tàu bay hoặc tàu biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà đang hoạt động ngoài không phận hoặc lãnh hải Việt Nam.

Các điểm mới cơ bản của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

Quốc hội Khóa XIII đã thông qua BLTTHS năm 2015 ngày 27/11/2015. Theo đó, so với BLTTHS năm 2003, thì điểm mới của BTTHS 2015 đó là đã tăng 164 điều, trong đó sửa đổi 317 điều và bổ sung mới 176 điều, giữ nguyên 17 điều và bãi bỏ 26 điều. Cụ thể, có 11 điểm mới của BLTTHS 2015 như sau:

Bổ sung quy định về các nguyên tắc phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và thực tiễn

Trên cơ sở các nguyên tắc được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013 , hệ thống các nguyên tắc cơ bản của BLTTHS 2015 đã được quy định tại Chương II với 27 nguyên tắc nhằm khắc phục những hạn chế nhất định của BLTTHS năm 2003, bảo đảm những quy định về nguyên tắc cơ bản đúng nghĩa là những tư tưởng chỉ đạo trong việc xây dựng và thực hiện BLTTHS, tạo cơ sở vững chắc cho việc hình thành những chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử cho các chủ thể trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự. Theo đó, điểm mới của BLTTHS 2015 thể hiện ở đã bổ sung những nguyên tắc sau: nguyên tắc suy đoán vô tội (tại Điều 13); nguyên tắc không ai bị kết án 02 lần vì một tội phạm tại Điều 14; nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra tại Điều 19; nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo tại Điều 26.

Trình tự, thủ tục và các hoạt động tố tụng trong từng giai đoạn tố tụng được quy định cụ thể hơn nhằm đấu tranh hiệu quả với tội phạm

BLTTHS năm 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng liên quan đến các giai đoạn trong giải quyết vụ án về khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn; xác lập đầy đủ cơ sở pháp lý để quá trình phát hiện cũng như xử lý tội phạm được tiến hành chính xác, kịp thời và góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng như bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.

điểm mới của BLTTHS 2015
Điểm mới của BLTTHS 2015 trong các giai đoạn tố tụng

Thực hiện nghiêm túc những yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 về tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân

BLTTHS năm 2015 đã cụ thể hóa quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thành những quy định, yêu cầu cụ thể đối với quá trình giải quyết vụ án hình sự cũng như việc áp dụng biện pháp cưỡng chế và bổ sung các quyền và cơ chế để bảo đảm quyền của những người tham gia tố tụng. Trong đó, điểm mới của bltths 2015 thể hiện ở đã bổ sung quyền của bị can được đọc, ghi chép bản sao các  tài liệu hoặc tài liệu được số hóa mà liên quan đến việc buộc tội hay gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác mà liên quan đến việc bào chữa kể từ thời điểm kết thúc điều tra khi có yêu cầu; bổ sung và quy định một cách đầy đủ nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội; rút ngắn về thời hạn tạm giam; quy định đầy đủ những cơ chế để người bị buộc tội thực hiện tốt quyền “bào chữa”; bổ sung các quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tố tụng, đồng thời, quy định nghiêm khắc những chế tài áp dụng nếu cơ quan tố tụng vi phạm quy định của luật.

Phân định hợp lý về thẩm quyền giữa các cơ quan tố tụng và giữa các cấp tố tụng

Điểm mới của BLTTHS 2015 còn thể hiện ở việc đã sửa đổi, bổ sung theo hướng: giảm số lượng vụ án do các cơ quan tố tụng cấp trung ương thụ lý, để cấp này tập trung cho công tác chỉ đạo, điều hành cũng như hướng dẫn, kiểm tra cấp dưới; mở rộng về cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cho lực lượng Kiểm ngư; bổ sung và tăng cường trách nhiệm của Viện Kiểm sát trong kiểm sát các hoạt động tố tụng; phân định thẩm quyền giữa các cấp Tòa án nhằm tháo gỡ khó khăn cho Tòa cấp huyện.

Tăng quyền và tăng trách nhiệm cho các chức danh tư pháp

Điểm mới của BLTTHS 2015 thể hiện ở đã phân định một cách hợp lý về thẩm quyền giữa Thủ trưởng với người trực tiếp tiến hành tố tụng theo hướng: những thẩm quyền mà có tính chất quyết định việc “đóng, mở” của một giai đoạn tố tụng, những thẩm quyền liên quan đến việc hạn chế những quyền con người, quyền công dân sẽ giao cho Thủ trưởng cơ quan tố tụng quyết định; hầu hết những thẩm quyền mà có tính chất phát hiện hoặc làm sáng tỏ sự thật vụ án thì giao cho Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán trực tiếp quyết định. 

Bổ sung Chương quy định về Bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại và đương sự

So với BLTTHS năm 2003, điểm mới của BLTTHS 2015 đã bổ sung Chương V với 13 điều quy định về bào chữa cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Theo đó, bổ sung khái niệm về người bào chữa; bổ sung người bị bắt thuộc đối tượng được bảo đảm về quyền bào chữa; bổ sung Trợ giúp viên pháp lý có thể là người bào chữa trong trường hợp nhất định; bổ sung diện những người mà không được bào chữa; bổ sung các quyền, nghĩa vụ của người bào chữa…

Đổi mới các chế định chứng cứ và chứng minh

Điểm mới của BLTTHS 2015 thể hiện ở đổi mới quan trọng khi quy định về chứng cứ và chứng minh, đó là: bổ sung cho người bào chữa có các quyền thu thập chứng cứ, người bị buộc tội có quyền được đưa ra chứng cứ; quy định cụ thể cách thức mà người bào chữa được thu thập chứng cứ; quy định cụ thể trách nhiệm, trình tự và thủ tục của các cơ quan tố tụng tiếp nhận và đánh giá chứng cứ được cung cấp từ những người tham gia tố tụng; bổ sung vào hệ thống về nguồn chứng cứ gồm: dữ liệu điện tử; kết quả định giá tài sản, đồng thời quy định cụ thể trình tự, thủ tục thu thập cũng như phục hồi dữ liệu điện tử nhằm bảo đảm tính khách quan cũng như tính nguyên trạng và tính có thể kiểm chứng của các loại chứng cứ đặc thù này; bổ sung nguyên tắc loại trừ chứng cứ.

điểm mới của BLTTHS 2015
Điểm mới của BLTTHS 2015 về chứng cứ và chứng minh

Hoàn thiện về chế định giám định tư pháp

Điểm mới của BLTTHS 2015 có thể hiện ở những điều chỉnh quan trọng để hoàn thiện chế định giám định tư pháp, đó là: bổ sung về những người có quyền yêu cầu giám định trên cơ sở giải quyết hợp lý về mối quan hệ giữa trách nhiệm chứng minh trong vụ án hình sự với việc bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng; xác lập các cơ chế nhằm kiểm soát chặt chẽ được quá trình trưng cầu và sử dụng các kết quả giám định; bổ sung cơ chế nhằm để giải quyết xung đột giữa các kết luận giám định.

Luật hóa những biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

Trước yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 về mọi biện pháp hạn chế quyền con người và quyền công dân phải do luật định, điểm mới của BLTTHS 2015 còn thể hiện ở việc bổ sung một chương mới để luật hóa biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Theo đó, các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt bao gồm các biện pháp điều tra và yêu cầu được quy định từ Điều 223 đến Điều 227 như ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật hay thu thập bí mật dữ liệu điện tử.

Sửa đổi, bổ sung các thủ tục tố tụng để đáp ứng những đổi mới của Bộ luật Hình sự năm 2015

Mối quan hệ mật thiết giữa Bộ luật Hình sự và BLTTHS là mối quan hệ giữa luật nội dung và luật hình thức. Bộ luật Hình sự là đạo luật quy định cụ thể về tội phạm và hình phạt, Bộ luật Tố tụng hình sự thì quy định về cách thức phát hiện và xử lý tội phạm. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với quá trình sửa đổi, bổ sung những điểm mới của BLTTHS 2015 là phải phản ánh được kịp thời những đổi mới trong Bộ luật Hình sự, từ đó quy định đầy đủ về thủ tục tố tụng cho việc xử lý vấn đề mới và đưa chính sách hình sự nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Bảo đảm quá trình giải quyết vụ án hình sự phải có sự kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ

Xuất phát từ nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước tại khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013 về quyền lực nhà nước là thống nhất và có sự phân công, phối hợp cũng như kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Theo đó, điểm mới của BLTTHS 2015 thể hiện ở điểm đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung.

          Trước hết, bổ sung nguyên tắc về kiểm tra, giám sát và kiểm soát trong tố tụng hình sự vào hệ thống những nguyên tắc cơ bản; quy định cụ thể về việc giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan dân cử đối với hoạt động tố tụng hình sự và trách nhiệm của những cơ quan tố tụng trong việc trả lời yêu cầu, kiến nghị của các cơ quan này; quy định cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tố tụng; quy định cụ thể, minh bạch về các thủ tục tố tụng, bổ sung trách nhiệm cũng như hình thức công khai các quyết định tố tụng nhằm tạo điều kiện cho người dân dễ tiếp cận công lý và tăng khả năng giám sát của xã hội đối với quá trình giải quyết các vụ án hình sự.

          Trên đây là những thông tin tư vấn về các điểm mới của BLTTHS 2015 trong giải quyết vụ án hình sự mà bạn cần biết. Nếu các bạn có bất cứ những thắc mắc nào thì đừng quên liên hệ ngay tới Luật hình sự để được giải đáp kịp thời nhé./

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments