Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Google search engine
Hometội phạmTội bắt cóc con tin bị xử phạt thế nào theo quy...

Tội bắt cóc con tin bị xử phạt thế nào theo quy định pháp luật

Tội bắt cóc con tin là tội phạm thuộc chương các tội xâm phạm trật tự, an toàn công cộng được pháp luật hình sự quy định cụ thể tại Điều 301 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Bài viết sau đây, Luật Hình sự sẽ làm rõ về tội bắt cóc con tin bị xử phạt thế nào theo quy định pháp luật.

bắt cóc con tin
Tội bắt cóc con tin bị xử lý như thế nào?

Thế nào là bắt cóc con tin

Theo quy định về xử lý hình sự tội bắt cóc con tin, có thể hiểu bắt cóc con tin là hành vi bắt, giữ hoặc giam người khác làm con tin nhằm mục đích cưỡng ép một quốc gia, vũng lãnh thổ hay tổ chức quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân làm hay không làm một việc như một điều kiện để thả con tin.

Quy định pháp luật về tội bắt cóc con tin

Tội bắt cóc con tin được pháp luật hình sự quy định cụ thể tại Điều 301 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 với 05 khoản truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, trong đó truy cứu trách nhiệm hình sự với cả trường hợp chuẩn bị phạm tội; mức phạt cao nhất mà người phạm tội có thể bị áp dụng là 15 năm. Cụ thể quy định như sau:

          “Điều 301 Tội bắt cóc con tin

1. Người nào bắt giữ, giam người khác làm con tin và đe dọa giết, làm bị thương hoặc tiếp tục giam, giữ người đó nhằm cưỡng ép một quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân làm hoặc không làm một việc như một điều kiện để thả con tin, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 113 và Điều 299 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người đủ 70 tuổi trở lên;
d) Phạm tội đối với người thi hành công vụ;

đ) Đối với 02 người trở lên;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây,thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên.

5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

bắt cóc con tin
Xử lý hình sự đối với tội bắt cóc con tin

Phân biệt giữa tội bắt cóc con tin với tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản

Người phạm tội có hành vi bắt cóc người khác có thể phạm vào tội bắt cóc con tin hoặc tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Do vậy, giữa hai tội này có những điểm khác biệt nhất định trong cấu thành tội phạm.

          Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì tội bắt cóc con tin được quy định tại Điều 301 và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 169.

          Về khách thể của tội phạm. Đối với tội bắt cóc con tin: Tội phạm này xâm phạm tới trật tự, an toàn công cộng và chính sách đối ngoại cũng như các quyền được bảo đảm sự an toàn về tính mạng, sức khỏe và tự do thân thể.

          Đối với tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản: tội phạm này thuộc chương các tội phạm xâm phạm sở hữu nên không chỉ xâm phạm đến các quyền nhân thân mà còn xâm phạm tới quyền sở hữu tài sản của người khác như tội trộm cắp tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

          Về chủ thể của tội phạm. Đối với tội bắt cóc con tin: Người phạm tội là người đã từ đủ 16 tuổi trở lên và thỏa mãn điều kiện đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

          Đối với tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm được quy định tại khoản 2,3,4 Điều 169. Còn người đã từ đủ 16 tuổi trở lên và thỏa mãn điều kiện đủ năng lực trách nhiệm hình sự phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội.

          Về mặt chủ quan của tội phạm: Cả hai tội phạm này, người phạm tội đều thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Theo đó, người phạm tội nhận thức rõ được tính chất cũng như mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi bắt cóc hoặc bắt cóc cùng với chiếm đoạt tài sản.

          Tuy nhiên, đối với tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 169 thì dấu hiệu mục đích là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, có nghĩa là mục đích của tội phạm là bắt cóc để chiếm đoạt và biến các tài sản của người khác thành tài sản của mình. Mục đích chiếm đoạt tài sản có thể có trước khi thực hiện các hành vi bắt cóc, nhưng cũng có thể xuất hiện trong hay sau khi đã thực hiện các hành vi bắt cóc người khác.

          Về mặt khách quan của tội phạm. Đối với tội bắt cóc con tin, mặt khách quan của tội phạm này thể hiện qua hành vi khách quan đó là các hành vi bắt, giữ hay giam người khác làm con tin nhằm mục đích cưỡng ép một quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế hay cơ quan, tổ chức và cá nhân làm hoặc không làm một việc như các điều kiện để thả con tin.

          Đối với tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản: mặt khách quan của tội phạm này thể hiện qua hành vi khách quan đó là hành vi bắt cóc người khác làm con tin nhằm mục đích để chiếm đoạt tài sản. Hành vi bắt người làm con tin được thực hiện một cách lén lút và đưa người bị bắt cóc đến một nơi khác rồi tìm cách để thông báo cho người thân của những người bị bắt cóc biết, cùng với các yêu cầu người thân của họ phải nộp một số tiền nhất định thì mới thả người đã bị bắt cóc, nếu không nộp tiền hay tài sản thì người bị bắt cóc sẽ bị nguy hiểm về tính mạng, sức khoẻ cũng như nhân phẩm.

          Về khung hình phạt, tội bắt cóc con tin quy định có 04 khung hình phạt chính. Điều 301 còn quy định xử lý hình sự ngay cả đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội này. Còn tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản tại Điều 169 cụ thể có 06 khung hình phạt đối với người phạm tội này.

          Trên đây là những thông tin tư vấn về quy định của luật hình sự về xử lý hình sự về tội bắt cóc con tin mà bạn cần biết. Nếu các bạn có bất cứ những thắc mắc nào thì đừng quên liên hệ ngay cho Luật hình sự để được giải đáp kịp thời nhé./

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments