Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Google search engine
HomeTội xâm phạm trật tự quản lý kinh tếVấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay và các...

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay và các lưu ý cần biết

Vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề luôn được quan tâm hàng đầu của mỗi chúng ta. An toàn thực phẩm nhằm bảo đảm cho sức khỏe và tính mạng của con người không bị gây tác động xấu bởi thực phẩm được tiêu thụ và sử dụng. Bài viết sau đây, Luật Hình sự sẽ tư vấn và làm rõ những nội dung cần biết về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay.

an toàn thực phẩm
Vấn đề cần biết về vệ sinh an toàn thực phẩm

Thế nào là an toàn thực phẩm

An toàn thực phẩm là một trong các vấn đề hết sức quan trọng trong đời sống xã hội của con người và toàn cộng đồng. Đặc biệt, trong thời buổi công nghệ, kỹ thuật phát triển thì kéo theo đó vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm bên cạnh những mặt tích cực cũng đang gặp những hạn chế nhất định, có thể nói rằng tội phạm về an toan toàn thực phẩm là loại tội phạm điển hình trong tội phạm kinh tế. Vậy an toàn thực phẩm là gì? Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật an toàn thực phẩm năm 2010, có thể hiểu an toàn thực phẩm là việc bảo đảm cho các thực phẩm không gây hại đến sức khỏe cũng như tính mạng của con người.

Nguyên tắc trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm

Để việc đảm bảo thực phẩm được sản xuất ra khi sử dụng không gây hại đến vấn đề về sức khỏa, tính mạng con người, pháp luật đã có các quy định cụ thể kịp thời điều chỉnh các vấn đề về an toàn thực phẩm, trong đó có các nguyên tắc là phương hướng chỉ đạo cho toàn bộ quá trình quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể các nguyên tắc này được quy định tại Điều 3 Luật an toàn thực phẩm với 06 nguyên tắc sau:

          Một là, bảo đảm vấn đề an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mọi tổ chức cũng như cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

          Hai là, sản xuất và kinh doanh thực phẩm là hoạt động có điều kiện; tổ chức cũng như cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm buộc phải chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh.

          Ba là, quản lý an toàn thực phẩm phải trên cơ sở các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và quy định thuộc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành cũng như tiêu chuẩn do tổ chức và cá nhân sản xuất công bố áp dụng.

an toàn thực phẩm
Quản lý an toàn thực phẩm

          Bốn là, quản lý về an toàn thực phẩm phải được thực hiện ở trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở những phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm.

          Năm là, quản lý an toàn thực phẩm phải bảo đảm có sự phân công, phân cấp rõ ràng cũng như phối hợp liên ngành.

          Sáu là, quản lý an toàn thực phẩm phải đáp ứng những yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.

Quy định pháp luật về các tội vi phạm an toàn thực phẩm

Tội vi phạm an toàn thực phẩm được pháp luật hình sự quy định cụ thể tại Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 với 05 khoản truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, tội phạm này không chỉ xâm phạm đến an toàn công cộng mà còn xâm phạm tới an ninh kinh tế, trong đó mức phạt cao nhất có thể bị áp dụng là 20 năm tù. Cụ thể quy định như sau:

“Điều 317 Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc sản phẩm trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

d) Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

đ) Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; thực phẩm trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

e) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm đ khoản này hoặc chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 05 người đến 20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Làm chết người;

c) Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 21 người đến 100 người;

d) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

e) Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

g) Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

h) Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 101 người đến 200 người;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

đ) Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 201 người trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;

đ) Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

e) Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

an toàn thực phẩm
Xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm

Xử lý đối với các tội vi phạm an toàn thực phẩm

Theo pháp luật hình sự, người phạm tội vi phạm an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý hình sự với các khung hình phạt tương ứng theo Điều 317 Bộ luật Hình sự, bao gồm có 04 khung hình phạt chính và 01 khung hình phạt bổ sung như sau:

          – Khung hình phạt 1: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng cho đến 200.000.000 đồng hay phạt tù từ 01 năm tới 05 năm.

          – Khung hình phạt 2: Phạt tiền từ 200.000.000 đồng cho đến 500.000.000 đồng hay phạt tù từ 03 năm tới 07 năm nếu có các tình tiết quy định tại khoản 2 Điều này.

          – Khung hình phạt 3: Phạt tù từ 07 năm cho đến 15 năm khi người phạm tội có các tình tiết tại khoản 3 Điều này.

          – Khung hình phạt 4: Phạt tù từ 12 năm cho đến 20 năm khi người phạm tội có các tình tiết tại khoản 4 Điều này.

          Về hình phạt bổ sung tại khoản 5, ngoài việc bị áp dụng một trong số những hình phạt chính nêu trên, thì người phạm tội còn có thể sẽ bị:phạt tiền từ 20.000.000 đồng cho đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ hay cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm tới 05 năm.

          Trên đây là những thông tin tư vấn về các quy định của pháp luật về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm mà bạn cần biết. Nếu các bạn có bất cứ thắc mắc nào thì đừng quên liên hệ tới Luật hình sự để được giải đáp kịp thời nhé./

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments